Ấn tượng trong lòng tôi một người con đất Quảng
Đất Quảng Nam những ngày đầu đông đón chúng tôi với cái lạnh khắc nghiệt và những cơn mưa tầm tã. Ngày đó, tôi chỉ mới là một người học sinh vừa rời ghế nhà trường, bước vào cuộc đời người lính cùng bạn bè đồng trang lứa trong ngôi trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân V với biết bao bỡ ngỡ, lo lắng nhưng cũng tràn đầy niềm vui, hy vọng.
Nơi mà chúng tôi học tập và rèn luyện là ngôi trường “sinh sau đẻ muộn” nhất trong hệ thống các trường Công an nhân dân, nhưng lại đạt được những thành tích rất đáng khâm phục. Học viên trong trường được tuyển sinh từ khắp mọi miền đất nước, mang những phong tục tập quán và đặc trưng riêng của từng vùng miền. Nhưng trong số những người bạn mới, tôi đặc biệt chú ý đến Nguyễn Thị Thu Hiền, học viên lớp K3S-GB1, một phần bởi chất giọng đặc biệt và tính cách “rất Quảng Nam” của cô bạn, một phần vì sự cố gắng không ngừng nghỉ của Hiền như tôi đã quan sát được trong suốt những năm tháng học tập và rèn luyện cùng nhau.
Tôi biết Hiền ngay từ những ngày đầu vào trường khi cùng nhau tham gia đội văn nghệ xung kích. Hiền thông minh, nhanh nhẹn và hoạt bát. Khi mới “chân ướt chân ráo” bước vào môi trường mới, học viên chúng tôi hầu hết đều e ngại và bỡ ngỡ, nhưng Hiền thì khác. Với tính cách thân thiện, vui vẻ, hòa đồng, Hiền nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới, hăng hái đăng kí tham gia rất nhiều câu lạc bộ và đội nhóm ở trường, như: Đội Chuyên trách Kĩ thuật, Đội Văn nghệ xung kích, Đội tuyển Võ thuật Karate-do, Câu lạc bộ Pháp luật… Hiền từng tâm sự với tôi, cô bạn quê gốc ở xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Từ khi sinh ra và lớn lên, Hiền vẫn luôn được bố mẹ răn dạy về truyền thống quê hương, nơi mà cô vẫn hay đùa với chúng tôi: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, bây đã “thấm” được cái tình, cái nghĩa, cái trung dũng của đất ni chưa?”
Hiền nói giọng không đặc như những người đồng hương, nhưng mỗi lần chúng tôi nghe cô kể về vùng đất này, mới thấy được, quê hương phải là thứ nằm trong máu, trong tim mình. Cô hay nói, trong kháng chiến, nhân dân Quảng Nam đã đi đầu, lập công ngay từ khi quân thù đặt chân đến vùng đất Quảng – Đà, và tự hào là nơi phát tích các phong trào đấu tranh kháng Pháp, đồng thời là quê hương của những chí sĩ yêu nước như: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân… Hiền thường cười, bảo: “Kiếm ở mô ra Cách Mạng nhiều như ở Quảng Nam ta.”
Hiền sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng. Bà ngoại cô là Mẹ Việt Nam anh hùng đã 4 lần trải qua nỗi đau mất con. Cậu cả và các dì của Hiền đã hi sinh trong những năm tháng kháng chiến trường kì. Mẹ của cô cũng từng tham gia liên lạc, nuôi giấu cán bộ và hoạt động cách mạng. Chắc vì lẽ đó, Hiền nghe kể và biết nhiều câu chuyện về bộ đội ngày xưa, về đạn bom và những hi sinh mất mát hơn chúng tôi. Hiền thường chia sẻ với tôi, ngày cô quyết định đăng kí thi vào một trường thuộc lực lượng vũ trang trong khi chúng bạn đua nhau vào các ngành nghề khác, người cô nghĩ đến nhiều nhất là ngoại. Ngoại cô đã ở cái tuổi 99, là cái tuổi “xưa nay hiếm”, thực sự Hiền rất sợ ngoại không đợi được ngày cô trưởng thành. Hiền muốn đi tiếp con đường mà gia đình cô đã theo đuổi, đi theo tấm gương của ngoại, của các cậu, các dì, của mẹ. Hiền muốn ngoại trong những tháng ngày cuối cùng, có thể thấy Hiền khoác lên mình bộ Cảnh phục, đứng trong hàng ngũ của Đảng, làm việc cho Cách mạng, cho nhân dân và dân tộc.
Ngày nhập học, Hiền đã tự hạ quyết tâm sẽ phấn đấu và nỗ lực hết sức trong thời gian học tập và rèn luyện tại đây. Bằng chứng là trong thời gian học tại trường Trung cấp Cảnh sát Nhân dân V, trong mỗi công việc, hoạt động của nhà trường, của lớp, Hiền đều nỗ lực làm hết sức, với kết quả 02 năm đều là học viên Giỏi, đạt giải cao trong các kì thi Học sinh Giỏi do nhà trường tổ chức. Kết quả tốt nghiệp của cô cũng khá ấn tượng, với điểm trung bình cả 3 môn là 9.3 và điểm tổng kết cuối khóa là 8.6, đó thật sự là một số điểm không dễ gì có được. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà Hiền trở thành con “mọt sách”. Cô tham gia rất nhiều các câu lạc bộ, đội nhóm ở trường và cũng đạt được một số thành tích đáng kể: Huy chương Bạc môn võ Karate-do Hội thi Bắn súng – Võ thuật thanh niên CAND khu vực phía Nam năm 2015, Huy chương Vàng môn võ Karate-do Hội thi Võ thuật thanh niên CAND khu vực phía Nam năm 2016, là một trong 70 người được Đoàn Thanh niên Bộ Công an trao tặng giấy Chứng nhận Thanh niên CAND “Vì An ninh Tổ quốc”, và tích cực tham gia các chương trình văn nghệ cấp trường, hiến máu nhân đạo… Nhìn những huy chương treo lủng lẳng trên đầu giường Hiền, tôi vẫn hay thắc mắc lấy đâu ra thời gian mà cô có thể cân bằng được mọi chuyện như vậy. Đáp lại câu hỏi của tôi, cô vẫn hay đùa: “Tuổi thì trẻ, người thì khỏe, răng lại không?” Nói là vậy, nhưng tôi biết, cô gái này đã phải cố gắng và nỗ lực nhiều đến thế nào…
Kết quả học tập ấn tượng, đồng thời cũng tham gia nhiều hoạt động như vậy, nên khi tổng kết cuối khóa, Hiền đạt được danh hiệu Học viên Xuất sắc với số điểm 9.3, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên. Đó thật sự là một kết quả xứng đáng cho những tháng ngày phấn đấu miệt mài của cô. Ngày tốt nghiệp, Hiền vẫn vậy, vẫn nụ cười ấy, vẫn lối nói chuyện “rất Quảng” mà tôi đã từng ấn tượng, tâm sự với tôi: “Giờ thì ta không hổ thẹn với ngoại, với gia đình. Ngày nhập học, mày tin không, ta đã từng mơ ước đến ngày ra trường được đeo hàm Thượng sỹ rồi.” Tôi vẫn thường khâm phục Hiền vì thế, luôn có mục tiêu và luôn biết cố gắng để thực hiện được mục tiêu của mình. Hiền thật sự là một người bạn, một người đồng chí mà tôi sẽ nhớ mãi về sau…