Những đổi mới quan trọng của Luật CAND (sửa đổi)
Ngày 20-11-2018, tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khoá XIV đã thông qua Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi). Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự cần thiết của việc ban hành Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng lực lượng CAND trong giai đoạn mới.
Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an xung quanh những đổi mới quan trọng của Luật CAND (sửa đổi).
Phóng viên (PV): Xin Trung tướng cho biết những nội dung mới của Luật CAND (sửa đổi)?
Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh.
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Luật CAND (sửa đổi) thay thế cho Luật CAND năm 2014 (Luật năm 2014), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7- 2019 (riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11-1-2019).
Luật CAND (sửa đổi) đã thể chế hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật CAND năm 2014; bảo đảm đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật của Nhà nước ta. Luật CAND (sửa đổi) gồm 7 chương, 46 điều.
So với Luật CAND năm 2014, Luật tăng 1 điều; sửa đổi, bổ sung 34 điều; giữ nguyên 12 điều; với những điểm mới cơ bản sau: Một là, bổ sung quy định mới trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành trung ương, Hội đồng nhân dân và UBND các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng CAND.
Hai là, hoàn thiện thêm một bước quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của CAND cho phù hợp với các đạo luật mới và thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ba là, Luật CAND (sửa đổi) sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND để làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị, trong đó có 3 chủ trương lớn, quan trọng về mô hình tổ chức, đó là: (1) xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy; (2) sáp nhập Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (3) không tổ chức cấp tổng cục thuộc Bộ Công an.
Bốn là, tạo cơ sở pháp lý để bố trí, sắp xếp lại hệ thống chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND; sửa đổi quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan CAND hợp lý hơn, chặt chẽ hơn, phù hợp với cách bố trí lực lượng và mô hình tổ chức mới của CAND các cấp.
Năm là, Luật CAND (sửa đổi) bổ sung quy định về công nghiệp an ninh. Tuy nhiên, về lâu dài Bộ Công an kiến nghị Quốc hội cho xây dựng Luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh. Ngoài các quy định trên, Luật CAND năm 2018 còn có nhiều điểm mới khác thể hiện trong các điều luật quy định về: giải thích từ ngữ; phân loại, bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ CAND; cấp bậc hàm cao nhất là cấp tá, cấp úy…
PV: Bộ Công an đã triển khai bộ máy mới trong đó bỏ cấp tổng cục, thu gọn nhiều đầu mối. Luật CAND (sửa đổi) quy định tổ chức bộ máy và các chức danh, chức vụ cụ thể như thế nào để phù hợp với bộ máy mới?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Như tôi đã nói ở trên, quán triệt Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị, Luật CAND (sửa đổi) đã sửa đổi các quy định về hệ thống tổ chức của CAND và hệ thống các chức vụ, chức danh phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an khi không còn cấp tổng cục. Theo đó, Luật CAND không còn các quy định có liên quan đến chức vụ “Tổng cục trưởng”.
Luật cũng không còn quy định về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng; thẩm quyền bổ nhiệm Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng và các quy định khác có liên quan. Luật CAND (sửa đổi) bỏ khoản 2 Điều 16 Luật năm 2014, để phục vụ cho việc sáp nhập 20 Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy với Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tinh giảm các đầu mối trực thuộc 20 đơn vị này.
Theo đó, trong tổ chức, bộ máy của mỗi Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ có một đơn vị cấp phòng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy; các phòng nghiệp vụ và phòng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy ở các quận, huyện, khu vực thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước đây cũng được thu gọn lại cho phù hợp.
PV: Một số những nội dung được quan tâm tại Luật CAND (sửa đổi) chính là quy định về phong tướng. So với Luật năm 2014, Luật CAND (sửa đổi) có những thay đổi căn bản nào về quy định này thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Về vị trí chức vụ có trần cấp bậc hàm Tướng, kế thừa Luật năm 2014, Luật CAND (sửa đổi) quy định Bộ trưởng Bộ Công an có trần cấp bậc hàm Đại tướng; 6 Thứ trưởng có trần cấp bậc hàm Thượng tướng. Để phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an, đồng thời để tạo điều kiện cho việc điều chỉnh tổ chức bộ máy của các đơn vị thuộc Bộ Công an phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bên cạnh kế thừa một số vị trí đã quy định cụ thể trong Luật năm 20104, Luật CAND (sửa đổi) chỉ quy định tiêu chí, nguyên tắc xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị trực thuộc Bộ và cấp bậc hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh). Những nội dung cụ thể được quy định tại Điều 25 của Luật.
PV: Theo quy định của Luật thì giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông sẽ được phong cấp hàm Thiếu tướng. Xin Trung tướng cho biết cụ thể là những đơn vị nào?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Hiện nay, theo quy định, cả nước có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xếp loại đơn vị hành chính loại I gồm: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Đồng Nai. Bên cạnh tiêu chí “đơn vị hành chính loại I”, Luật quy định thêm một tiêu chí khác: “là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông”. Khi Luật có hiệu lực, Bộ Công an sẽ căn cứ vào cả hai tiêu chí đó để đề nghị cơ quan có thẩm quyền phong, thăng cấp hàm Thiếu tướng cho Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố nêu trên.
PV: Còn lộ trình xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy sẽ được thực hiện như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Luật CAND (sửa đổi) bỏ khoản 3 và đoạn cuối của khoản 4 Điều 16 của Luật năm 2014, qua đó xác định Công an xã, phường, thị trấn là công an chính quy, đồng thời giao: “Chính phủ quy định cụ thể việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy”.Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Công an xã, thị trấn cần có lộ trình, bước đi phù hợp để giảm áp lực về chính sách, tiết kiệm ngân sách, tận dụng được nguồn nhân lực của lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay.
Tiếp thu ý kiến trên, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thiết kế điều khoản chuyển tiếp đối với cả hai trường hợp: Đối với Công an xã, thị trấn đã tổ chức công an chính quy, các chức danh Công an xã bán chuyên trách được bổ nhiệm, bố trí theo quy định của Pháp lệnh Công an xã kết thúc nhiệm vụ và được sử dụng tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại cơ sở, được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Pháp lệnh Công an xã năm 2008 cho đến khi có văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đối với Công an, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy thì các quy định về Công an xã tiếp tục được áp dụng theo Pháp lệnh Công an xã, Luật Cán bộ, công chức và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Như vậy, việc xây dựng Công an xã, thị trấn sẽ có lộ trình, bước đi phù hợp; lộ trình cụ thể sẽ do Chính phủ quy định cụ thể trong nghị định.
PV: Luật sẽ có hiệu lực vào ngày 1-7-2019. Xin Trung tướng cho biết, từ nay đến khi Luật có hiệu lực, Bộ Công an phải làm các công việc gì để Luật đi vào cuộc sống?
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Để triển khai thi hành Luật CAND (sửa đổi), từ nay đến 1-7-2019, Bộ Công an sẽ phải thực hiện rất nhiều công việc khác nhau, từ xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, phổ biến cho đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật.
Ngay trong tháng 12-2018, phải tổ chức tập huấn các nội dung của Luật cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ cốt cán, hội viên Chi hội Luật gia, báo cáo viên pháp luật Công an các cấp; các học viện, trường trong CAND. Đồng thời, phải phân công cho đơn vị xây dựng hệ thống văn bản quy định chi tiết 15 điều, khoản, điểm của Luật, trong đó dự kiến cần xây dựng ít nhất 1 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 6 nghị định, 12 thông tư.
Trước mắt, để thực hiện khoản 2 Điều 45 của Luật, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật CAND để quy định trên kịp có hiệu lực vào ngày 11-1-2019.
PV: Xin cảm ơn Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh!
Nguồn tin: Báo điện tử CAND.