Thông tin là nhu cầu thiết yếu trong mọi hoạt động của đời sống xã hội, là công cụ để điều hành quản lý, lãnh đạo của mỗi quốc gia, là phương tiện hữu hiệu để mở rộng giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc, là nguồn cung cấp trí thức, cũng là nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội. Thông tin được coi là yếu tố tạo nên cơ hội phát triển, thành đạt và tự chủ của mỗi quốc gia, tổ chức và mỗi con người. Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, là hình thức, phương thức, phương tiện để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đất nước, tham gia vào quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Quyền tiếp cận thông tin vừa là quyền mỗi người được hưởng, vừa là tiền đề để đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản bao gồm các quyền: dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… Chỉ khi tiếp cận thông tin về hoạt động của bộ máy nhà nước một cách công khai, trung thực thì người dân mới có thể tham gia vào quản lý xã hội và thực hiện quyền làm chủ thực sự của mình.
Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, thuộc nhóm quyền dân sự – chính trị đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên Hợp quốc năm 1948, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên. Quyền tiếp cận thông tin tiếp tục được khẳng định trong nhiều điều ước quốc tế khác như Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng năm 2003, Tuyên bố Rio về Môi trường và phát triển năm 1992, Công ước UNECE về tiếp cận thông tin môi trường.
Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật Việt Nam đã ghi nhận và từng bước hoàn thiện quyền được thông tin trong nhiều văn bản pháp luật. Trong đó, Hiến pháp năm 2013, quyền tiếp cận thông tin là một bộ phận của quyền con người và khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quy định nguyên tắc quyền con người, quyền công dân “chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.
Nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn tổ chức bảo đảm thực hiện quyền của công dân trong việc tiếp cận các thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2018. Đây là Luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Khi Luật tiếp cận thông tin ra đời mang lại vai trò và ý nghĩa rất lớn, thể hiện ở những mặt sau:
– Tiếp cận thông tin là nền tảng để phát huy, thực hiện dân chủ theo tinh thần của Hiếp pháp 2013. Khi nhân dân tiếp cận được thông tin về các vấn đề chính trị, xã hội thì mới thu hút được nhân dân quan tâm và đóng góp ý kiến xây dựng. Tiếp cận thông tin giúp nhân dân hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, từ đó lấy được sự ủng hộ của nhân dân và thuận lợi khi các cơ quan chức năng triển khai thực hiện các quyết sách đó.
– Tiếp cận thông tin góp phần bảo vệ các quyền con người khác về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa.
– Tiếp cận thông tin góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền và nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước và giúp các cơ quan Nhà nước hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện của đất nước. Phát huy được quyền giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước.
– Tiếp cận thông tin giúp xóa bỏ những hiểu lầm xảy ra giữa nhân dân với các cơ quan Nhà nước, là “vũ khí” đập tan các thông tin gây ra mẫu thuẫn, chia rẽ trong xã hội, là “liều thuốc” hàn gắn mẫu thuẫn, vết thương trong quá khứ và tạo nên môi trường xã hội dân chủ.
– Tiếp cận thông tin hỗ trợ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh, thương mại phát triển. Khi có thông tin các doanh nghiệp mới có định hướng đầu tư một cách khoa học và hiệu quả, đồng thời có cơ sở để kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước.
Để phát huy hết vai trò, ý nghĩa, sức mạnh của thông tin mỗi người dân phải thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong việc tiếp cận thông tin được quy định trong Luật tiếp cận thông tin.
Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong việc tiếp cận thông tin
1. Công dân có quyền:
a) Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời;
b) Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
2. Công dân có nghĩa vụ:
a) Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin;
b) Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp;
c) Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Như vậy, theo quy định tại Khoản 1, Điều 08, Luật Tiếp cận thông tin, công dân có những quyền sau:
– Được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời.
Được cung cấp thông tin đầy đủ có nghĩa là công dân được cung cấp thông tin với nội dung toàn vẹn, không bị cắt xén. Công dân được cung cấp thông tin được chứa đựng dưới hình thức phù hợp để họ có thể tiếp cận thông tin với đầy đủ các nội dung mà thông tin truyền tải. Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với việc công dân được tiếp cận những thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.
Được cung cấp thông tin chính xác có nghĩa là công dân được cung cấp thông tin với nội dung giống như nội dung sau khi thông tin được tạo ra. Thông tin được cung cấp không thay đổi về nội dung và trong phần lớn các trường hợp, không thay đổi về hình thức chứa đựng thông tin. Được cung cấp thông tin chính xác cũng bao hàm việc trong trường hợp thông tin đã được công khai hoặc cung cấp bị phát hiện là không chính xác thì công dân có quyền thông báo với cơ quan nhà nước và cơ quan nhà nước có trách nhiệm xử lý để công khai, cung cấp thông tin chính xác cho công dân. Cơ quan nhà nước cũng có trách nhiệm bảo đảm tính chính xác của thông tin được công khai, cung cấp, nếu phát hiện thông tin không chính xác thì phải kịp thời khắc phục.
Được cung cấp thông tin kịp thời có nghĩa là công dân được tiếp cận thông tin sớm nhất khi có thể. Để bảo đảm quyền của công dân, cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai, cung cấp thông tin cho công dân càng sớm càng tốt trong thời hạn mà pháp luật quy định và phù hợp với điều kiện thực tế về tính chất, hình thức chứa đựng thông tin và điều kiện thực tế của cơ quan. Về nguyên tắc, cơ quan nhà nước phải tích cực, nhanh chóng công khai, cung cấp thông tin cho người dân, trường hợp thấy cần gia hạn thì phải thông báo.
– Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin.
Trong quá trình tiếp cận thông tin, công dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện đối với quyết định của cơ quan nhà nước hoặc quyết định, hành vi của người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước mà họ cho rằng việc cung cấp thông tin vi phạm pháp luật.
Công dân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về tiếp cận thông tin. Hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo có thể là hành vi của cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc các chủ thể khác trong xã hội.
Bên cạnh quyền Khoản 2 Điều 8 Luật tiếp cận thông tin, quy định nghĩa vụ của mỗi công dân, đó là:
– Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Tuân thủ quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin được hiểu là việc chấp hành đúng các quy định của pháp luật về những loại thông tin được tiếp cận, trình tự, thủ tục tiếp cận thông tin. Ví dụ bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục, địa điểm được quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP, ngày 01 tháng 02 năm 2018.
Quy định này còn bao hàm việc công dân không được thực hiện các hành vi gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin như tấn công làm hỏng hệ thống cung cấp thông tin công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước để lấy thông tin hay đưa ra những yêu cầu cung cấp thông tin không thiết thực, không thỏa đáng với mục đích, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, xâm hại đến quyền của cá nhân khác.
– Không làm sai lệch nội dung thông tin đã được cung cấp.
Sau khi có được thông tin bằng việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin, công dân phải tôn trọng nội dung thông tin, không thực hiện các hành vi như chỉnh sửa, tẩy xóa hoặc các hành vi khác tác động đến nội dung thông tin làm sai lệch bản chất của thông tin khiến người đọc hiểu theo hướng khác.
Trong trường hợp pháp luật cho phép chia sẻ, truyền đạt lại thông tin đã được cung cấp, công dân có trách nhiệm truyền đạt lại chính xác nội dung thông tin, nếu có bổ sung cách hiểu riêng của mình khi truyền đạt lại thông tin thì phải lưu ý đối với người được chia sẻ, truyền đạt thông tin đó là quan điểm, ý kiến và cách hiểu riêng của mình mà không phải là nội dung thông tin.
– Không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác khi thực hiện quyền tiếp cận thông tin.
Quyền tiếp cận thông tin của công dân được bảo đảm thực hiện với điều kiện việc thực hiện quyền đó không được xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được Nhà nước và pháp luật bảo vệ. Vì vậy, nếu việc tiếp cận thông tin của công dân xâm hại và tác động đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ không cung cấp.
Như vậy, để Luật Tiếp cận thông tin phục vụ thiết thực cho đời sống, mỗi công dân cần phải nhận thức và thực hiện nghiêm quyền và nghĩa vụ của công dân trong tiếp cận thông tin.
Nguyễn Chí Thành – Khoa CSKT