Thời gian qua, hoạt động thực tập tốt nghiệp của học viên Trường Trung cấp CSND V đã được Đảng ủy Ban Giám hiệu quan tâm, chú trọng và triển khai một cách đồng bộ, khoa học, qua đó đã đạt được những kết quả rất tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 06 Khóa K1S, K2S, K3S, K4S, K5S và K6S với khoảng hơn 3.000 học viên được cử đến Công an các đơn vị, địa phương để thực tập tốt nghiệp theo quy định tại Thông tư số 01/2015/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an, trong đó, chuyên ngành Trinh sát PCTP kinh tế có 194 học sinh. Phân tích báo cáo tổng kết thực tập tốt nghiệp của 02 chuyên ngành qua từng năm cho thấy được bức tranh mang màu sắc khá tích cực. Đó là công tác chuẩn bị chu đáo, khoa học của Đảng ủy Ban Giám hiệu Nhà trường, cơ quan tham mưu và của Khoa Cảnh sát kinh tế trong vấn đề xây dựng kế hoạch, liên hệ địa phương nơi tiếp nhận, trang bị kiến thức lý luận vững chắc trước khi các em bước vào giai đoạn thực tập tốt nghiệp. Đó là sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của Công an các đơn vị, địa phương trong vấn đề bố trí thực tập, tạo điều kiện về nơi ăn, chốn ở. Kết quả, đa phần học viên chuyên ngành sau khi thực tập đều đạt được tiêu chí đề ra, nhiều đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được tặng thưởng giấy khen các cấp, được cán bộ thực tế và Công an địa phương đánh giá cao, tạo thuận lợi cho quá trình công tác thực tế sau này.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, hoạt động thực tập tốt nghiệp của học viên Nhà trường nói chung và chuyên ngành Trinh sát PCTP kinh tế nói riêng vẫn còn có một số tồn tại, hạn chế như sau:
– Sự khác biệt giữa kiến thức lý luận được cung cấp và công tác thực tiễn cần thiết vẫn còn một khoảng cách nhất định, khiến cho học viên phải mất một thời gian mới có thể tiếp xúc, làm quen với công việc, từ đó dẫn đến tiến độ thực hiện đầu việc bị hạn chế.
– Nội dung kiến thức lý luận còn khá lớn nên số lượng tiêu chí thực tập thường bao quát hết tất cả các mặt công tác nghiệp vụ, nhưng thời gian thực tập vẫn còn khá ngắn nên học sinh không thể hoàn thành đầy đủ tiêu chí đề ra.
– Một số học viên chưa thấy được vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thực tập tốt nghiệp nên còn lơ là, không có tinh thần cầu thị, đôi lúc còn e ngại, chưa xông xáo. Ý thức tổ chức kỷ luật của một số cá nhân còn chưa cao.
– Đặc thù tổ chức ở Công an địa phương hiện nay có cơ cấu lực lượng CSHS, CSKT, CSMT, CSMTr chung một đội trong khi khối lượng công việc thuộc lĩnh vực kinh tế thường ít hơn, do đó, học viên nhiều lúc được trưng dụng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, ma túy và các mặt công tác khác của đơn vị, gây ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra.
Những tồn tại, hạn chế đó xuất phát từ một số nguyên nhân sau đây:
– Trình độ kiến thức của giáo viên còn khá hạn chế, đặc biệt là kinh nghiệm thực tế, dẫn đến nội dung lý luận trang bị cho học viên còn xa rời thực tiễn chiến đấu như đã nói ở trên, dẫn đến học viên phải mất một thời gian để làm quen với công việc mới.
– Tinh thần, thái độ của học viên khi tham gia hoạt động thực tập tốt nghiệp còn chưa cao. Ý thức phấn đấu, tổ chức kỷ luật của một số học viên còn hạn chế.
– Khối lượng công việc chuyên môn lớn, học viên thường bị chi phối bởi nhiều mặt công tác ở địa phương, nhưng thời gian thực tập quá ngắn, không đủ để học viên tham gia đầy đủ và thực hiện trọn vẹn tiêu chí đề ra.
– Chưa có sự phối hợp, liên lạc giữa giáo viên và học viên chuyên ngành trong quá trình thực tập tốt nghiệp, dẫn đến nhiều trường hợp học viên rơi vào tình huống bị động nhưng không tìm được hướng giải quyết, cũng không chủ động trao đổi với giáo viên để tìm phương án tháo gỡ.
Trên cơ sở phân tích thực trạng, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bản thân xin đưa ra một số giải pháp cơ bản thời gian tới như sau:
– Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên chuyên ngành bằng nhiều hình thức như đi thực tế, mời báo cáo viên, cử tham dự các lớp tập huấn… làm cơ sở trang bị cho học viên những kiến thức phù hợp với thực tiễn công tác trước khi đi thực tập. Mỗi giáo viên phải xác định: Đối với học viên thực tập tốt nghiệp thì sẽ được địa phương giao những nội dung nào? Cách thức thực hiện ra sao? Từ đó bên cạnh nội dung lý luận theo chương trình đào tạo, cần bố trí thời gian giới thiệu, tập huấn cho học viên những vấn đề cần thiết đó.
– Cân đối lại Tiêu chí đánh giá kết quả thực tập của chuyên ngành sao cho tập trung vào rèn luyện tay nghề, những nội dung thực tiễn địa phương hay thực hiện, tránh dàn trải dẫn đến hình thức.
– Phải có cơ chế liên lạc giữa giáo viên chuyên ngành và học viên trong quá trình thực tập nhằm kịp thời hướng dẫn về nội dung, tháo gỡ những vướng mắc cần thiết.
– Làm tốt công tác tư tưởng đối với học viên trước khi đi thực tập, cần phải xác định hoạt động thực tập là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình đào tạo của Nhà trường, là điều kiện để học viên tiếp cận với thực tiễn, vận dụng lý luận đã học. Nhà trường cần làm tốt công tác nắm tình hình, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương nhằm phát hiện, uốn nắn kịp thời số học viên có biểu hiện thiếu tổ chức kỷ luật, sai phạm trong quá trình thực tập.
Phạm Phú Tiến – Khoa CSKT