Kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp góp phần đổi mới kiểm tra đánh giá trong nhà trường
Kiểm tra đánh giá là khâu then chốt cuối cùng của quá trình dạy học, không chỉ có ý nghĩa đánh giá kết quả học tập của quá trình dạy và học mà còn có tác dụng điều tiết trở lại hết sức mạnh mẽ đối với quá trình đào tạo. Kết quả kiểm tra đánh giá không chỉ phản ánh năng lực học của học sinh mà còn phản ánh một phần phương pháp dạy học của giáo viên, bởi vì kiểm tra đánh giá gắn liền và quan hệ trực tiếp với việc đổi mới phương pháp dạy học giáo viên và đổi mới phương pháp học tập của học sinh.
Để đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học cần áp dụng linh hoạt nhiều hình thức khác nhau như: Tự luận, trắc nghiệm, tự luận kết hợp trắc nghiệm, vấn đáp… Trong bài viết này, tác giả chỉ giới hạn ở đề tài “Kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp góp phần đổi mới kiểm tra, đánh giá trong Nhà trường”.
1. Sự cần thiết phải tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp
Kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp (thi vấn đáp) là hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh dưới hình thức học sinh bốc thăm câu hỏi hoặc giáo viên đặt câu hỏi, sau đó học sinh trả lời trực tiếp bằng lời. Trong điều kiện thực tế về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên nhà trường hiện nay, theo tôi cần mạnh dạn chuyển đổi hình thức kiểm tra đánh giá một số học phần bằng hình thức vấn đáp bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, thời gian vừa qua ở Nhà trường ta chủ yếu tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức thi viết, mà phần lớn là hình thức tự luận, bên cạnh những ưu điểm thì hình thức thi này cũng tồn tại một số hạn chế nhất định. Vì vậy, tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp giúp cho giáo viên và lãnh đạo Nhà trường có thêm biện pháp, “thước đo” để đánh giá chính xác và khách quan hơn kết quả học tập của học sinh.
Thứ hai, thi vấn đáp đòi hỏi học sinh phải tự học, tự nghiên cứu để nắm vững bản chất vấn đề, góp phần đẩy lùi tình trạng học tủ, học lệch, học không hiểu bản chất hoặc thiếu sự liên hệ với thực tiễn và loại trừ gần như toàn bộ các gian lận trong thi cử của thí sinh. Bởi lẽ trong quá trình thi vấn đáp bộ đề thi gồm nhiều câu hỏi khác nhau, trải rộng toàn bộ khối kiến thức của môn học nên học sinh không thể “đoán mò” một hai câu hỏi trong đề thi và Ban Giám khảo có thể linh động kiểm tra được toàn bộ kiến thức của người thi bằng nhiều vấn đề khác nhau. Hơn nữa, trong thời gian ngắn, 10 đến 15 phút cho mỗi thí sinh nên khó có thể trao đổi, hỏi bài nhau và không thể chép bài của nhau.
Thứ ba, thi vấn đáp là một hình thức thi hiệu quả vì phản ảnh trực tiếp và đúng nhất về năng lực cũng như bản chất việc học của một học sinh. Cách tổ chức thi này đóng vai trò tích cực trong việc khẳng định kiến thức của người học, tức là người học có khoảng thời gian từ 10 đến 15 phút để hoàn thành yêu cầu đề thi mà người đó bốc được và đã chuẩn bị. Giáo viên đặt ra câu hỏi bổ sung khi người học đã trình bày xong nội dung thi của mình. Ở công đoạn này, người học phải trả lời và giáo viên đưa ra câu hỏi bổ sung đó khẳng định kết quả đúng sai, nếu sai thì giáo viên có trách nhiệm giải thích đúng để người dự thi tiếp nhận kiến thức. Như vậy, ở một góc độ tiếp thu kiến thức, người học rất có lợi thế để áp dụng kiến thức đúng mà giáo viên khẳng định mình trả lời đúng cũng như tiếp nhận kiến thức bổ trợ khi mình trả lời sai được giáo viên bổ sung.
Thứ tư, thi vấn đáp giúp học sinh rèn luyện kĩ năng suy luận, thuyết trình, phản biện và dần hình thành năng lực, sự am hiểu thực sự và phong thái tự tin, làm quen dần với những áp lực tâm lý, cách xắp xếp thời gian khoa học hợp lý sẽ là nền tảng kỹ năng quan trọng để phục vụ tốt công tác thực tế sau này.
Thứ năm, thi vấn đáp được đánh giá tiết kiệm thời gian tổ chức và chấm thi hơn hình thức thi viết (tự luận hoặc trắc nghiệm). Nếu như tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức thi viết với lớp học 30 học sinh thì mất khoảng 2 ngày vừa tổ chức thi, làm phách và chấm thi (01 buổi tổ chức thi, 01 buổi cắt phách và ráp phách, 01 ngày chấm thi), trong khi tổ chức thi vấn đáp thì thời gian để tổ chức thi và trả kết quả thi khoảng 01 buổi làm việc. Như vậy, thi vấn đáp sẽ tiết kiệm thời gian hơn các hình thức khác.
2. Quy trình tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp
(1) Học sinh bốc thăm đề thi. Nhận giấy nháp, ghi đầy đủ tên số báo danh mã đề.
(2) Học sinh có thời gian chuẩn bị cho câu hỏi của mình tối đa từ 5-10 phút. Có thể ghi câu trả lời vào giấy nháp.
(3) Đợi gọi tên theo số thứ tự để thực hiện phần thi của mình với Ban Giám khảo.
(4) Học sinh trực tiếp trả lời câu hỏi, bảo vệ quan điểm cá nhân, giáo viên sẽ đưa ra những câu hỏi phản biện, những câu hỏi phụ nhằm đánh giá sự hiểu biết, kiến thức và năng lực của học sinh.
(5) Kết thúc bài thi, học sinh được nghe nhận xét những ưu điểm và nhược điểm từ Ban Giám khảo. Kết quả sẽ được công bố sau khi kết thúc buổi thi.
3. Một số đề xuất góp phần tổ chức tốt quá trình kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp
Để tổ chức kiểm tra đánh giá bằng hình thức vấn đáp đạt hiệu quả cao, góp phần đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá trong Nhà trường, theo tôi cần chú ý một số vấn đề sau:
Một là, cần ban hành quy chế thi vấn đáp trong Nhà trường, trong đó quy định rõ về thời gian chuẩn bị và trả lời câu hỏi, bốc thăm câu hỏi, đổi câu hỏi, trách nhiệm của cán bộ coi thi, giáo viên chấm thi, thí sinh dự thi, cán bộ giám sát, thang điểm đánh giá phần thi thí sinh… làm hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện thống nhất.
Hai là, phải tổ chức biên soạn hệ thống câu hỏi phục vụ thi vấn đáp gồm câu hỏi chính và câu hỏi bổ sung đảm bảo phủ đều nội dung kiến thức trọng tâm của môn học. Số lượng câu hỏi chính phải nhiều, đảm bảo không trùng đối với một lượt bốc thăm đề (tối thiểu 20 câu đối với các học phần có 2 đơn vị học trình). Nội dung câu hỏi phải rõ ràng, không mang tính đánh đố học sinh, phù hợp với thời gian chuẩn bị 5 – 10 phút và trả lời 5 -7 phút của học sinh. Câu hỏi nên có phần mở rộng thể hiện các mức độ nhận thức cao như vận dụng, tổng hợp, đánh giá, sáng tạo để có thể phân loại được học sinh.
Ba là, kế hoạch tổ chức thi vấn đáp cần được phổ biến cho học sinh từ khi bắt đầu vào học phần để học sinh chuẩn bị tâm lý và có phương pháp học tập phù hợp. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần áp dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực huy động sự tham gia xây dựng bài giảng của học sinh, tạo điều kiện tối đa cho học sinh trình bày, thể hiện quan điểm cá nhân về các vấn đề có liên quan nhằm tập luyện khả năng tư duy, giải quyết và trình bày vấn đề cũng như rèn luyện tâm lý cho học sinh.
Bốn là, bố trí đủ số lượng phòng thi vấn đáp, mỗi phòng thi chỉ nên có 30 thí sinh mới đảm bảo thời gian tổ chức thi. Phải có 02 giáo viên cùng thực hiện chấm thi phần trả lời của học sinh và 01 cán bộ coi thi phục vụ. Giáo viên chấm thi phải có kinh nghiệm, sự am hiểu về lĩnh vực, chuyên ngành tổ chức thi, phải có sự chuẩn bị về tâm lý cho những tình huống bất ngờ phát sinh.
Năm là, trong quá trình tổ chức thi cán bộ, giáo viên chấm thi cần tạo tâm lý tốt để học sinh bình tĩnh, tự tin diễn đạt phần thi của mình. Có thể giao tiếp gợi mở để giúp học sinh nhớ lại nội dung kiến thức đã học hoặc trả lời sâu sắc hơn nội dung đề thi. Sau khi học sinh thực hiện phần thi xong, giám khảo nên nhận xét, đánh giá ngắn gọn phần trả lời để học sinh rút kinh nghiệm cho những lần thi sau.
Sáu là, đảm bảo kỷ luật phòng thi nghiêm túc. Học sinh chưa được gọi tên vào phòng cần bố trí chỗ ngồi trước hành lang nghiêm túc, không nói chuyện gây ảnh hưởng tới những thí sinh khác. Các thí sinh đã vào phòng cần đánh số báo danh, đảm bảo chấp hành nghiêm túc quy chế thi.
Bảy là, nên chọn một vài học phần có tính chất lý luận để tổ chức thí điểm về thi vấn đáp, sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để có hướng tổ chức tốt hơn trong các kỳ thi sau.
Lê Văn Khuyên.