Để giúp học sinh tiếp thu kiến thức nhanh chóng và hiệu quả
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) có những tác động lớn tới hệ thống giáo dục và đào tạo của mỗi quốc gia.
Ảnh: minh họa
Trong thời đại thông tin, khối lượng tri thức mà con người phải tiếp nhận là rất lớn, những tri thức đó con người cũng phải tiếp nhận từ nhiều nguồn (nhà trường, trong gia đình, ngoài xã hội) nhưng với một quốc gia ngày một cao hơn.
Để có được điều đó, hệ thống kiến thức mà nhà trường có trách nhiệm trang bị cho học sinh cần phải được đẩy dần xuống theo các bậc học. Trong khi đó ở các bậc học không thể cung cấp cho người học một khối lượng tri thức đủ để họ sử dụng trong suốt cuộc sống và lao động. Thay vì vậy, nhà trường chỉ có thể trao cho họ cách thức truy nhập thế giới tri thức vô tận đó. Có nghĩa là việc giảng dạy không còn đơn thuần là cung cấp tri thức nữa mà phải dạy cả khả năng khám phá và nghiên cứu để phục vụ việc học tập liên tục cả đời.
Đó là một thách thức đối với ngành giáo dục và đào tạo để đưa quá trình giảng dạy chuyển thành việc khám phá hướng tới nghiên cứu. Học sinh, sinh viên thế hệ mới phải làm chủ được kỹ năng và công cụ nghiên cứu như một phần của việc đào tạo cơ bản.
Để có được điều đó cần tạo ra một môi trường học thích hợp cho cả giảng dạy và nghiên cứu. Đào tạo từ xa qua mạng in-tơ-nét, thư viện điện tử,… là những biểu hiện rõ rệt của xu hướng tất yếu này từ cuối thế kỷ 20 và ngày càng phát triển với tốc độ nhanh trong những năm đầu thế kỷ 21.
Trong thời đại công nghệ thông tin, đất nước nào có chiến lược phát triển nguồn nhân lực tốt thì đất nước đó sẽ có nhiều cơ hội thành công trong phát triển kinh tế – xã hội. Quyết định số 33/2002/QĐ-TTg ngày 8-2-2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch phát triển internet Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005 nêu mục tiêu: Năm 2002-2003, tất cả các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề được kết nối in-tơ-nét; đến năm 2005 khoảng 50% số trường trung học phổ thông và trung học cơ sở được kết nối in-tơ-nét, đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và thực hiện đề án phát triển mạng và các dịch vụ giáo dục và đào tạo ứng dụng trên internet (Edunet).
Xuất phát điểm về phát triển CNTT trong giáo dục ở nước ta còn rất thấp. Trước năm 2003, số lượng trường trong các tỉnh, thành phố kết nối internet còn rất ít, chính vì vậy cần có sự phát triển đột phá để tạo đà cho những chuyển biến cơ bản về ứng dụng CNTT trong giáo dục và đào tạo.
Ngày 4-4-2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Bưu chính – Viễn thông ký Bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển mạng giáo dục (Edunet) với những nội dung: Phát triển mạng giáo dục thống nhất trong phạm vi cả nước; hoàn thiện Đề án Xây dựng mạng giáo dục, bảo đảm hệ thống mạng được thiết kế một cách hợp lý, khoa học và hiệu quả, được triển khai theo các giai đoạn khác nhau, thống nhất và có tính kế thừa; phối hợp ban hành các cơ chế chính sách về truy nhập internet cho các cơ sở giáo dục và đào tạo; hỗ trợ cho việc xây dựng nội dung thông tin và triển khai các ứng dụng trên mạng giáo dục; phấn đấu năm 2003 triển khai kết nối internet tới tất cả các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông; kết nối internet cho 50% số trường THCS cả nước trong hai năm 2004-2005.
Đây là con đường để hướng tới một xã hội học tập. Dạy trên mạng, học trên mạng và quản lý trên mạng là điều mà chúng ta đang mong muốn áp dụng, tiến tới một xã hội học tập suốt đời, học một cách mềm dẻo và sẽ xóa bỏ đi được sự cách biệt CNTT và văn hóa số giữa vùng sâu, vùng xa với thành thị.
Trong năm 2003, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo bố trí kinh phí hỗ trợ trang bị cho mỗi trường ít nhất hai bộ máy tính có cấu hình cao và thiết bị module để 2.057 trường THPT trong cả nước có điều kiện triển khai kết nối in-tơ-nét.
Qua công tác kiểm tra thực tế ở một số tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Thừa Thiên – Huế, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và báo cáo của các sở giáo dục và đào tạo, trang thiết bị máy tính của các trường, các tỉnh không đồng đều, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội của từng vùng, miền khác nhau cho nên số lượng máy tính trên số học sinh cũng khác nhau, như tỉnh Hòa Bình trung bình khoảng 65 học sinh/máy tính, tỉnh Lào Cai 170 học sinh/máy, tỉnh Thừa Thiên – Huế 45 học sinh/máy, TP Hồ Chí Minh 30 học sinh/máy, trình độ sử dụng CNTT của giáo viên ở mỗi trường cũng khác nhau vì vậy việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy cũng khác nhau. Mặc dù mặt bằng về trang thiết bị và trình độ sử dụng không đồng đều, nhưng đến ngày 15-12-2003, các trường THPT trong cả nước đã được kết nối internet (trừ một số trường không có đường truyền tín hiệu do điều kiện địa lý).
Tuy nhiên, những việc Bộ Giáo dục và Đào tạo làm được chỉ là những thành công ban đầu trong kế hoạch đưa CNTT vào các trường học.
Theo lộ trình trong hai năm 2004, 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Bưu chính – Viễn thông tiếp tục chỉ đạo về việc xây dựng nội dung thông tin trên mạng, các phần mềm phục vụ công tác giảng dạy, quản lý của ngành, các thư viện điện tử… và triển khai công tác chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo triển khai kết nối internet cho 50% số trường THCS trong cả nước, nghiên cứu ban hành chính sách CNTT, và các văn bản pháp quy về quản lý và khai thác thông tin trên mạng ở các trường học.
Việc đưa CNTT ứng dụng vào dạy và học, việc mở các lớp học từ xa nhờ sự hỗ trợ của CNTT, việc xây dựng các chương trình giảng dạy ở các cấp học khác nhau qua mạng giáo dục kết nối internet toàn cầu cho những người có nhu cầu học tập nhưng không có điều kiện học tập trung là thiết thực, phù hợp nguyện vọng của người học và xu thế chung của thời đại mới (học mọi nơi, mọi lúc, mọi thứ hữu ích).
Để nâng cao hiệu quả sử dụng internet trong trường học còn rất nhiều việc phải làm như: Đào tạo đội ngũ giáo viên có trình độ về tin học; các bài giảng có hướng dẫn tự học chi tiết (hướng dẫn cách đọc, cách hiểu, cách thực hành, ứng dụng, đánh giá kết quả); xây dựng chương trình đào tạo ở các bậc học; phát triển rộng hệ thống mạng giáo dục; xây dựng phần mềm (phần mềm hệ thống, phần mềm dạy học); đào tạo đội ngũ giáo viên dạy CNTT; biên soạn tài liệu, sách giáo khoa và giáo trình; chuẩn bị trang thiết bị đồng bộ với môi trường dạy, học và ứng dụng CNTT.
Việc các trường THPT được kết nối internet giúp học sinh tiếp thụ các kiến thức nhanh chóng, hiệu quả. CNTT phải trở thành phương tiện, công cụ để làm tăng hiệu quả và chất lượng của công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu, giúp học sinh hoàn toàn chủ động lựa chọn thời gian, không gian học tập, tài liệu học tập, phương pháp học tập.
Cách học này phát huy tính tính cực của người học, phù hợp định hướng đổi mới cách học của ngành giáo dục “lấy người học làm trung tâm”. Việc người học luôn phải tiếp thụ, cập nhật nhiều kiến thức để phù hợp xu thế phát triển chung của xã hội, nhưng với lượng thời gian và sức lực hạn chế, cùng với cơ sở vật chất (trường lớp, phòng thí nghiệm) như hiện nay thì việc dạy và học theo phương pháp truyền thống cần có sự trợ giúp của CNTT.