Ước Mơ Đã Thành Hiện Thực !

                       Thầy ơi!
Lòng sông sâu con sào dài đo được
Lòng người đưa đò ai đưa được bao la
     Tôi vẫn thầm cảm ơn những người thầy đưa đò cần mẫn để bao thế hệ cập bến tương lai không một lời than vãn. Tôi tri ân những “người đưa đò” đã giúp tôi nuôi mầm ước mơ – ước mơ trở thành nhà giáo.
“Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”
     Mặc cho sự vận động không ngừng của xã hội và thời gian. “Cầu kiều” vẫn bắc “dòng sông chữ Nghĩa” nối liền bao thế hệ con người Việt Nam. Nối những khát khao tới chân trời tri thức và truyền đạt những tri thức nên những nhịp cầu gần gủi, thân quen mà hết sức thiêng liêng cao đẹp – nhịp cầu: Nhân – Nghĩa – Lễ – Lễ – Trí – Tín trên bước đường hoàn thiện nhân nhân cách của học trò, những con người trẻ tuổi, trẻ lòng.
     Nhân dân ta thường nói: “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “không thầy đố mày làm nên” và người thầy được kính ngang hàng cha mẹ: “công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Truyền thống tôn sư trọng đạo đó đã ăn sâu vào truyền thống người Việt Nam. Tình cảm thiêng liêng đó xuất phát từ đạo đức, tri thức và nhân cách sáng ngời của bao bậc thầy từ thế hệ này sang thế hệ khác.
     Đôn – ki – xtôi có câu nói rất nổi tiếng: “Dưới ánh hào quang của ánh sáng mặt trời, không có nghề nào cao quý bằng nghề dạy học”.
     Giờ đây, khi ước mơ trở thành nhà giáo đã trở thành hiện thực thì tôi càng hiểu rõ hơn cái “cao quý” trong nghề và càng trọn vẹn hơn niềm hạnh phúc trong tôi – niềm hạnh phúc một trái tim con người tràn đầy nhiệt huyết. Đồng thời, càng hiểu rõ hơn nhiệm vụ người thầy giáo mà hơn hết lại là người thầy giáo làm công tác giảng dạy trong trường công an nhân dân.
     Xã hội không ngừng biến đổi, nảy sinh những vấn đề phức tạp cần giải quyết. Các trường công an nhân dân là nơi đào tạo ra những lớp người có đủ tri thức và trách nhiệm, xứng đáng là lực lượng chủ yếu trên mặt trận phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội. Để tạo một lớp người hoàn thiện cả đức và tài, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ khó khăn phức tạp đó, người thầy không chỉ truyền thụ tri thức mà còn phải truyền cho học trò đạo đức, học văn, học lễ, học làm người, học trong sách vở, học ngoài thực tế; học cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư không ngừng luyện tập để trở thành chiến sỹ Công an vừa hồng vừa chuyên.
     Tôi vẫn thường khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế, không ai có thể tự cho mình đã biết, biết hết rồi. Thế giới này ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
     Là người làm công tác giảng dạy trong trường công an nhân dân, khoác trên mình màu xanh áo lính. Tôi hiểu rõ hơn ngoài tình thiêng liêng cao quý của tình thầy trò, giữa chúng tôi và học trò còn là tình đồng chí, anh em trong công cuộc giữ gìn an ninh trật tự của Tổ quốc. Chính vì vậy, lời dạy của Bác như phương châm để thế hệ giáo viên trẻ chúng tôi phấn đấu, trau dồi tri thức, luôn là người thầy chuẩn mực, xứng đáng không chỉ trong công việc mà cả trong cuộc sống.
     Cùng với việc rèn luyện lối sống nhà giáo trong môi trường sư phạm, giảng viên trẻ chúng tôi còn xác định là một chiến sĩ công an nhân dân sống và làm việc trong môi trường của người giảng dạy và tuyên truyền pháp luật. Chính bởi lẽ đó, bản thân tôi hiểu rằng ngoài sự chuẩn mực về sư phạm chúng tôi phải tuyệt đối gương mẫu trong việc chấp hành đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Không ngừng học hỏi bởi trong nhận thức: Việc học là chiếc thang không có bậc cuối cùng, để tránh sự tụt hậu, chậm tiến mà “tiến bộ kịp nhân dân”. Luôn nắm vững trình độ chuyên môn, không ngừng cải tiến phương pháp dạy học để đạt hiệu quả cao hơn trong bài giảng.
     Là giảng viên trẻ mới vào công tác tại Trường trung cấp Cảnh Sát Giao Thông, tôi nhận thức sâu sắc hơn sự cố gắng của mình là không ngừng, bắt tay vào soạn giáo án tôi lại càng thấy rõ hơn nhiệm vụ hết sức quan trọng của mình- nó thực sự là một nghề lao động trí óc nặng nhọc mà ở đó có sự căng thẳng của trí tuệ để tạo ra những bài giảng vừa mang chất xám của lý thuyết, vừa sinh động và thuyết phục mà mục đích truyền đạt của mình được các em tiếp thu dễ dàng. Nổi trăn trở dường như không chỉ dừng lại trong phạm vi bài giảng, mà nó đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của trang sách bài vở xâm nhập vào ngay cả trong giấc ngủ và cả những giờ nghĩ ngơi. Nhiều đêm tôi giật mình ngỡ ngàng khi chợt nghĩ lại dường như thời gian qua tôi đã quên mình là ai, tôi say mê, cuốn hút trong công việc của một nhà giáo nhân dân.
     Tôi biết rằng, đến với nghề giáo mà nhất là nghề giáo công an nhân dân nổi trăn trở và suy nghĩ ấy sẽ còn phải nâng cao lên nữa, áp lực sẽ còn đè nén lên vai chúng tôi. Nhưng, chúng tôi sẽ còn phấn đấu và phấn đấu không ngừng cống hiến vì công việc cao quý mà Tổ quốc ban tặng. Vì hơn hết chúng tôi biết, “sản phẩm” từ bao thế hệ mà chúng tôi đào tạo ra là lớp lớp những thế hệ người lính cụ Hồ vừa hồng vừa chuyên, “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
” Bao lữ khách đi về bến vắng
Người sang sông, ai nhớ bến sông đời
Từng dòng chữ một đời lặng lẽ
Mãi âm thầm như bụi phấn rơi rơi”
     Bến sông đời lữ khách mấy ai nhớ đến nhưng bến sông tri thức thì con người dễ mấy ai quên. Dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, tình đồng chí, niềm vui của giáo viên, học trò và của toàn xã hội. Bởi vậy, phấn đấu không ngừng để xứng đáng là người đang thực hiện “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” là điều mà bản thân tôi luôn tự nhũ. Chính vì lẽ đó:
“Mỗi người có một lời ru
Dở hay tôi cũng chọn ra khúc này”
                                                  (Lời ru của thầy).
Võ Văn Hoài.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *