BỘ CÔNG AN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG TRUNG CẤP Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
CẢNH SÁT GIAO THÔNG Quảng Nam, ngày 25 tháng 6 năm 2013
Số: 580a/QyĐ-T52
QUY ĐỊNH
Quy tắc an toàn trường bắn
Căn cứ Quyết định số 3177/QĐ-BCA ngày 09 tháng 8 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông;
Để đạt chất lượng tốt nhất và đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình tổ chức bắn đạn thật, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông ban hành quy định về quy tắc an toàn trường bắn như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định việc phân công trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân tham gia huấn luyện và kiểm tra bắn đạn thật.
2. Đối tượng áp dụng
– Quy định này được áp dụng đối với tất cả các cuộc huấn luyện và kiểm tra bắn đạn thật do Nhà trường tổ chức.
– Tất cả cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên tham gia việc tổ chức, phục vụ và bắn đạn thật đều phải thực hiện nghiêm túc quy tắc an toàn trường bắn tại quy định này.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Trường bắn là nơi huấn luyện và kiểm tra bắn đạn thật (sau đây gọi tắt là bắn đạn thật).
2. Người chỉ huy trường bắn (chỉ huy chung) là người chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động khi tiến hành huấn luyện hoặc kiểm tra bắn đạn thật. Người chỉ huy trường bắn phải là lãnh đạo cấp Phòng (hoặc tương đương) trở lên, do Hiệu trưởng phân công trước khi tổ chức huấn luyện hoặc kiểm tra bắn đạn thật.
3. Người chỉ huy trực tiếp (chỉ huy bắn) là sĩ quan có chuyên môn giúp người chỉ huy chung điều hành hoạt động của những người tham gia bắn đạn thật.
4. Người dẫn bắn là người trực tiếp, hướng dẫn người kiểm tra bắn đạn thật.
5. Tổ trưởng tổ canh gác là người chỉ huy những người canh gác.
6. Người canh gác là người quan sát, đảm bảo an toàn trong khu vực được phân công.
7. Người điều khiển mục tiêu và báo bia là người điều khiển mục tiêu bắn đạn thật và báo thành tích của người kiểm tra.
8. Người ghi thành tích ghi lại kết quả của những người kiểm tra bắn đạn thật.
9. Người phát đạn là người quản lý và cấp đạn cho những người được kiểm tra bắn đạn thật.
10. Người được kiểm tra là người trực tiếp bắn đạn thật.
Điều 3. Trách nhiệm đảm bảo an toàn trường bắn
1. Đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng, tài sản, vũ khí và trang bị tại trường bắn là trách nhiệm chung của tất cả các đơn vị, cá nhân khi tham gia huấn luyện và kiểm tra bắn đạn thật.
2. Người chỉ huy chung chịu trách nhiệm mọi mặt trước Ban Giám hiệu về công tác tổ chức trước, trong và sau khi kết thúc buổi bắn đạn thật.
CHƯƠNG II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA NHỮNG NGƯỜI
THAM GIA HUẤN LUYỆN VÀ BẮN ĐẠN THẬT
Điều 4. Nhiệm vụ của người chỉ huy chung
1. Người chỉ huy chung chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi mặt đảm bảo hoàn thành tốt cuộc kiểm tra, phải gương mẫu, lãnh đạo những người dưới quyền chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trường bắn. Tất cả cán bộ chiến sĩ tham gia phục vụ kiểm tra, người kiểm tra đều dưới quyền chỉ huy của người chỉ huy chung.
2. Người chỉ huy chung có các nhiệm vụ:
– Tổ chức chuẩn bị và điều khiển việc bắn đạn thật.
– Đảm bảo chấp hành tốt quy tắc bắn đạn thật.
– Duy trì kỷ luật trật tự và đảm bảo an toàn.
– Giải quyết các vấn đề cụ thể xảy ra trong quá trình kiểm tra thuộc phạm vi quy tắc đã quy định.
– Ra lệnh chuẩn bị đến giờ bắn đạn thật, cuộc bắn đạn thật bắt đầu, khi bắn đạn thật kết thúc.
– Khi bắn đạn thật xong phải lập biên bản xác định việc chấp hành quy tắc trường bắn; thành tích của đơn vị, cá nhân; tình hình kỷ luật trật tự, đảm bảo an toàn và ký tên vào biên bản.
Điều 5. Nhiệm vụ của người chỉ huy trực tiếp (chỉ huy bắn)
1. Người chỉ huy trực tiếp có trách nhiệm giúp cho người chỉ huy chung trong việc điều khiển những người tham gia bắn đạn thật. Ngoài người chỉ huy chung, những người khác tham gia bắn đạn thật đều dưới quyền chỉ huy của người chỉ huy trực tiếp.
2. Người chỉ huy trực tiếp có các nhiệm vụ
– Căn cứ vào quy tắc an toàn trường bắn, quy định cụ thể của lần bắn đạn thật xác định cụ thể điều kiện cần có để chuẩn bị bắn đạn thật.
– Tổ chức đôn đốc, kiểm tra việc chuẩn bị vật chất, đảm bảo an toàn về tập duyệt cho các bộ phận phục vụ.
– Quy định các hiệu lệnh
+ Hiệu lệnh chuẩn bị: Kiểm tra, quán triệt nhiệm vụ của các bộ phận, đôn đốc các bộ phận phục vụ nhanh chóng hoàn thành mọi công tác chuẩn bị đúng thời gian quy định. Tự mình phải đi kiểm tra lần cuối cùng về mặt công tác chuẩn bị, đặc biệt là biện pháp đảm bảo an toàn trong các phạm vi phụ trách và báo cáo người chỉ huy chung.
+ Hiệu lệnh cuộc bắn đạn thật bắt đầu thì kéo cờ đỏ lên, ra lệnh phát đạn khi mọi người đã ở vị trí an toàn, chuẩn bị xong thì ra lệnh bắt đầu.
– Trong khi kiểm tra:
+ Nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc bắn đạn thật và tính thành tích. Xử lý các trường hợp vi quy tắc trường bắn.
+ Đôn đốc các bộ phận theo dõi nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc mỗi lần bắn đạn thật.
+ Đôn đốc, đảm bảo việc thông tin liên lạc thông suốt giữa các bộ phận.
+ Khi thấy người được kiểm tra vi quy tắc an toàn, nhận được ký tín hiệu của người canh gác thấy trong khu vực mục tiêu có người (hoặc súc vật) hoặc tín hiệu ngừng bắn của tổ điều khiển mục tiêu phải lập tức ra lệnh ngừng bắn, tìm nguyên nhân và nhanh chóng giải quyết để tiếp tục bắn đạn thật.
+ Khi biết chắc chắn người được kiểm tra đã hoàn thành nhiệm vụ khám súng xong thì cho hạ cờ đỏ xuống rồi ra lệnh báo cáo kết quả.
– Khi kết thúc:
+ Kiểm tra quân số, vũ khí, đạn, vật chất của đơn vị bắn đạn thật, khám súng và cho rời khỏi vị trí bắn đạn thật.
+ Nhận xét trình độ kỹ thuật, xác định thành tích, ưu điểm và khuyết điểm việc chấp hành quy tắc an toàn trường bắn.
Điều 6. Nhiệm vụ của người dẫn bắn
1. Hướng dẫn cho người được kiểm tra thực hiện đúng các thao tác kỹ thuật đã học.
2. Trong quá trình dẫn bắn có sự cố xảy ra lập tức ra hiệu lệnh thôi bắn và báo cáo cho người chỉ huy trực tiếp biết để xử lý.
3. Khi biết chắc chắn người kiểm tra đã hoàn thành nhiệm vụ thì ra hiệu lệnh khám súng và chờ hiệu lệnh của người chỉ huy trực tiếp mới được hạ cờ đỏ xuống.
Điều 7. Nhiệm vụ của tổ trưởng tổ canh gác
1. Nắm vững các vị trí bố trí canh gác và nhiệm vụ từng vọng gác.
2. Phân công cụ thể từng phạm vi nhiệm vụ canh gác, vị trí cắm cờ cho từng vọng gác, quy định an toàn đối với người gác và ký hiệu liên lạc báo về người chỉ huy.
3. Sau đặt xong các vọng gác, kiểm tra an toàn khu vực bắn đạn thật.
4. Quan sát ký tín hiệu của các vọng gác và tình hình trong khu vực bắn đạn thật.
4. Làm nhiệm vụ của người quan sát và ra tín hiệu khi được phân công đảm nhiệm.
Điều 8. Nhiệm vụ của người canh gác
1. Canh gác khu vực được phân công, không để bất kỳ một ai vào khu vực kiểm tra nếu không có lệnh chỉ huy.
2. Không được tự động rời khỏi vị trí canh gác khi chưa có người thay thế hoặc chưa có tín hiệu của chỉ huy.
3. Khi có tình huống không an toàn phải dùng tín hiệu, ký hiệu đã quy định hoặc phương tiện thông tin nhanh nhất báo cáo ngay về chỉ huy.
Điều 9. Nhiệm vụ của người điều khiển mục tiêu và báo bia
1. Người điều khiển mục tiêu và báo bia có trách nhiệm điều khiển mục tiêu bắn đạn thật và báo thành tích của người kiểm tra. Nếu có từ 2 người điều khiển mục tiêu trở lên thì phải chỉ định tổ trưởng.
2. Nhiệm vụ của người (hoặc tổ trưởng) điều khiển mục tiêu và báo bia
– Kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn ở các hầm hào điều khiển ở mục tiêu, hào báo bia, phương tiện thông tin liên lạc. Mang đồ dùng cần thiết như đèn, cờ tín hiệu an toàn, chì báo bia, hồ, giấy dán bia. Đôn đốc mọi người theo đúng quy định bắn đạn thật.
– Khi có lệnh báo bia phải nhanh chóng và báo tín hiệu lênh báo bia. Nếu chưa có lệnh không cho bất cứ ai ra khỏi hầm hoặc nhô đầu lên để quan sát.
– Chấp hành lập tức và nghiêm chỉnh tín hiệu, kí hiệu ẩn hiện mục tiêu điều chỉnh, mục tiêu di động, đôn đốc các thành viên trong tổ chấp hành đúng thời gian ẩn hiện hoặc di động quy định.
– Khi có việc cần yêu cầu ngừng bắn hoặc lệnh báo bia phải giơ cờ lên báo trước rồi mới cho mọi người ra khỏi hố và cắm cờ ở miệng hố. Sau khi báo xong mọi người đã về hầm ẩn nấp an toàn thì hạ cờ.
– Khi báo cáo kết quả bắn phải làm đúng kí hiệu dứt khoát từng lần một để bộ phận theo dõi ghi thành tích không bị nhầm lẫn.
– Khi báo điểm: Báo điểm cao trước đến điểm thấp sau, nếu cần chỉ cả điểm chạm thì từng điểm phải báo số điểm trước rồi mới chỉ cho dứt khoát sau đó báo tiếp điểm khác.
Điều 10. Nhiệm vụ của người ghi thành tích
1. Theo dõi, ghi chính xác đầy đủ kết quả của người kiểm tra theo báo cáo của người báo bia.
2. Căn cứ tính thành tích đã quy định để tính điểm cho từng người.
3. Tổng hợp chung thành tích của đơn vị.
Điều 11. Nhiệm vụ của người phát đạn
1. Kiểm tra nhận đủ số đạn của lần kiểm tra.
2. Để và giữ gìn đạn đúng quy định theo quy tắc kiểm tra và quy tắc đảm bảo an toàn, không làm hư hỏng, mất an toàn hoặc mất đạn.
3. Theo lệnh của người chỉ huy phát đủ số đạn cho người bắn.
4. Thu hết đạn còn thừa của người bắn.
5. Khi kết thúc bắn đạn thật phải kiểm tra thống kê số đạn đã dùng, số đạn còn lại báo cáo cho người chỉ huy.
Điều 12. Nhiệm vụ của người được kiểm tra
1. Khi nhận đạn phải kiểm tra xem có đủ, đúng loại đạn và đạn có tốt không, không dùng vũ khí, đạn hỏng, không an toàn để bắn.
2. Chỉ được lắp đạn khi có lệnh của người chỉ huy.
3. Khi chuẩn bị bắn xong, khi bắn xong phải báo cáo bằng miệng hoặc kí tín ám hiệu cho người chỉ huy biết.
4. Cấm bắn khi thấy không đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.
5. Đang bắn khi có hiệu lệnh của người chỉ huy hoặc hiệu lệnh “ngừng bắn”, “ngừng kiểm tra”, phải lập tức ngừng bắn, sau đó làm theo lệnh của người chỉ huy.
6. Trong lúc chuẩn bị bắn, lúc vận động hoặc dừng lại miệng nòng súng phải luôn luôn hướng về mục tiêu, cấm hướng súng sang hai bên hoặc quay về phía sau.
7. Sau khi người bắn xong phải lập tức khám súng, khi khám súng người bắn phải làm đúng động tác được quy định.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Khen thưởng và kỷ luật
1. Đơn vị, cá nhân nào có thành tích xuất sắc trong việc đảm bảo an toàn trường bắn theo quy định tại văn bản này thì được xem xét đề xuất khen thưởng theo quy định.
2. Đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định tại văn bản này, tùy mức độ có thể bị nhắc nhở hoặc kỷ luật theo quy định hiện hành.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định này bị bãi bỏ.
Điều 15. Trách nhiệm thi hành
1. Các Khoa, Bộ môn, Phòng, Trung tâm, các giáo viên, cán bộ và học viên nhà trường có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các đơn vị, cá nhân báo cáo về Ban Giám hiệu (qua Bộ môn Quân sự võ thuật, Thể dục thể thao) để xem xét chỉnh sửa cho phù hợp./.
Nơi nhận:
– Tổng cục III (để báo cáo);
– Các Đ/c trong BGH (để chỉ đạo);
– Các Khoa, BM, P, TT (để thực hiện);
– Các lớp học (để thực hiện);
– Lưu: BM QSVT,TDTT; VT.
HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)
Đại tá Cao Đăng Nuôi