BỘ CÔNG AN CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TRƯỜNG TRUNG CẤP Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
CẢNH SÁT GIAO THÔNG
QUY ĐỊNH
Về hồ sơ bài giảng
(Ban hành kèm theo Quyết định số 253/QĐ-T52-ĐT ngày 24/4/2012 của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Văn bản này quy định về mục đích, nguyên tắc xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng; cấu trúc và nội dung các tài liệu, tư liệu, đồ dùng, dụng cụ phục vụ việc giảng dạy cần có trong một hồ sơ bài giảng; trách nhiệm của các đợn vị và cá nhân trong xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng.
2. Đối tượng áp dụng
a) Quy định này áp dụng cho các loại hồ sơ bài giảng bao gồm: Duyệt giảng, dạy giỏi và giảng dạy tại Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông.
b) Hồ sơ bài giảng áp dụng cho Trung tâm dạy nghề và đào tạo, sát hạch lái xe, phương tiện thủy có quy định riêng.
Điều 2. Mục đích xây dựng,sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng
1. Làm căn cứ để lãnh đạo các Khoa, Bộ môn và giáo viên xây dựng, quản lý và củng cố hồ sơ bài giảng nhằm phục vụ tốt công tác giảng dạy.
2. Giúp Ban Giám hiệu và các đơn vị chức năng theo dõi, kiểm tra, đánh giá công tác xây dựng và quản lý hồ sơ bài giảng được thuận lợi và thống nhất.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng
1. Hồ sơ bài giảng được xây dựng, sử dụng và quản lý theo đúng quy định của Bộ Công an, của Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông.
2. Đảm bảo đầy đủ các tài liệu, tư liệu, đồ dùng, dụng cụ phục vụ việc giảng dạy cần có trong một hồ sơ bài giảng theo Chương trình môn học đã được ban hành.
3. Đảm bảo đầy đủ về nội dung, đúng về hình thức theo quy định về thể thức văn bản của hồ sơ bài giảng.
4. Hồ sơ bài giảng được trình bày sạch, đẹp và sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.
5. Hồ sơ bài giảng thể hiện việc cập nhật kiến thức mới, đổi mới nội dung, cải tiến về phương pháp giảng dạy.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Cấu trúc các tài liệu cần có trong hồ sơ bài giảng
Hồ sơ bài giảng bao gồm 11 tập tài liệu được sắp xếp theo thứ tự sau đây:
1. Bản thống kê tài liệu có trong hồ sơ.
2. Quyết định lập hồ sơ bài giảng;
3. Quyết định giao bài.
4. Chương trình học phần.
5. Giáo trình hoặc đề cương giáo trình.
6. Hệ thống kế hoạch thực hiện bài giảng.
7. Giáo án và đề cương bài giảng.
8. Tài liệu tham khảo, báo cáo ngoại khóa, báo cáo thực tế.
9. Tư liệu ,đồ dùng ,dụng cụ phục vụ việc giảng dạy.
10. Đáp án câu hỏi thảo luận, bài tập, tình huống thực hành.
11. Hệ thống câu hỏi và đáp án dùng cho thi, kiểm tra.
Điều 5. Nội dung các tài liệu trong hồ sơ bài giảng
1. Bản thống kê tài liệu có trong hồ sơ:
Bản thống kê danh mục các loại tài liệu hiện có trong hồ sơ bài giảng.
2. Quyết định lập hồ sơ bài giảng
Quyết định lập hồ sơ bài giảng: Do Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng được ủy quyền ký.
3.Quyết định giao bài
Quyết định giao bài: Do Trưởng Khoa, Trưởng Bộ môn ký.
4. Chương trình học phần
Chương trình học phần: Là chương trình đang được biên soạn trên cơ sở Chương trình đào tạo của từng chuyên ngành, tương ứng với mỗi học phần trong chương trình đào tạo có một chương trình học phần do Hiệu trưởng ký ban hành.
5. Giáo trình hoặc đề cương giáo trình
Giáo trình hoặc đề cương giáo trình : Là các giáo trình đang được sử dụng (kể cả giáo trình điện tử) hoặc đề cương giáo trình (nếu chưa có giáo trình) phục vụ cho bài giảng.
6. Hệ thống kế hoạch thực hiện bài giảng
Hệ thống kế hoạch thực hiện bài giảng bao gồm:
– Kế hoạch dạy học học phần (môn học);
– Kế hoạch dạy học bài (chương);
– Kế hoạch dạy giỏi (nếu thực hiện bài dạy giỏi);
– Kế hoạch tổ chức thảo luận;
– Kế hoạch tổ chức làm bài tập;
– Kế hoạch hướng dẫn thực hành.
– Kế hoạch thực hiện các hoạt động khác như : thực hành chính trị-xã hội,tham quan,thực tế,thực tập…
Tùy từng học phần, bài học mà hồ sơ bài giảng có thể có đầy đủ hoặc chỉ cần một số trong hệ thống các kế hoạch đã nêu. Các kế hoạch này do Trưởng hoặc Phó Trưởng Khoa, Bộ môn ký, bao gồm các nội dung sau:
a. Đối với kế hoạch dạy học học phần (môn học); kế hoạch dạy học bài (chương); kế hoạch dạy giỏi (nếu thực hiện bài dạy giỏi)
– Mục tiêu, yêu cầu:
+ Mục tiêu: Nêu rõ sau khi học xong, học viên có khả năng đạt được các chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ gì?
+ Yêu cầu: Nêu yêu cầu về chấp hành các quy chế, quy định về dạy học; về tinh thần, thái độ giảng dạy của giáo viên, học tập của học viên trong quá trình tổ chức dạy học.
– Nội dung dạy học:
+ Nội dung cụ thể của học phần (môn học) hoặc chương (bài);
+ Nội dung trọng tâm của học phần (môn học) hoặc chương (bài).
– Phân bổ thời gian:
+ Tổng số tiết;
+ Số tiết phân bổ cho các khâu dạy học.
– Phương pháp, phương tiện dạy học:
+ Hệ thống các phương pháp dạy và học;
+ Thống kê các phương tiện phục vụ dạy học.
– Câu hỏi thảo luận, bài tập, tình huống thực hành:
+ Câu hỏi thảo luận: Giải quyết những vấn đề cụ thể để làm sáng tỏ nội dung bài học.
+ Bài tập: Chứa đựng các tình huống thực tiễn, điển hình, sát với nội dung lý luận của bài học, môn học để học viên nghiên cứu giải quyết nhằm rèn luyện khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn.
+ Tình huống thực hành: Chuẩn bị theo yêu cầu vận dụng lý luận vào thực tiễn để rèn luyện, nâng cao tay nghề, hình thành kỹ năng nghề nghiệp.
– Tài liệu và thông tin phục vụ học tập:
+ Tài liệu chính;
+ Tài liệu tham khảo;
Cần ghi rõ tên tài liệu, tác giả, xuất xứ, nội dung cần nghiên cứu (ghi rõ số trang) và địa chỉ tài liệu để học viên truy cập, nghiên cứu.
+ Website tham khảo;
+ Địa chỉ website của đơn vị, cá nhân; email của giáo viên (nếu có);
+ Danh sách giáo viên của đơn vị đã tham gia giảng dạy môn học này (họ và tên, chức danh, học vị).
b. Đối với kế hoạch tổ chức thảo luận; kế hoạch tổ chức làm bài tập; kế hoạch hướng dẫn thực hành; kế hoạch thực hiện các hoạt động khác như : thực hành chính trị-xã hội,tham quan,thực tế,thực tập…
– Mục tiêu, yêu cầu;
– Nội dung câu hỏi thảo luận, tình huống bài tập, tình huống thực hành…
– Phương pháp thực hiện;
– Công cụ, phương tiện.
7. Giáo án và đề cương bài giảng
Giáo án (bao gồm giáo án bằng văn bản và giáo án điện tử) đang sử dụng và đề cương bài giảng (do Trưởng hoặc Phó Trưởng Khoa, Bộ môn được ủy quyền ký).
a. Giáo án bằng văn bản
– Về nội dung:
+ Trình bày toàn diện kiến thức của chương (bài);
+ Cập nhật kiến thức thường xuyên, liên tục;
+ Nêu được các tình huống, câu hỏi phát triển khả năng tư duy của học viên;
+ Thể hiện các phương pháp sử dụng trong giảng dạy;
+ Thể hiện sự phân bố thời gian cho từng nội dung.
– Về hình thức: Bằng văn bản đánh máy kèm băng, đĩa minh họa (nếu có). Giáo án phải ghi rõ chuyên ngành và loại hình đào tạo sử dụng.
b. Giáo án điện tử
Được xây dựng và trình chiếu trên máy tính, máy chiếu bằng chương trình Microsoft PowerPoint hoặc chương trình trình chiếu khác (Lecter Maker, Violet, Adobe Presenter, Adobe Connect, Adobe Captivate, Adobe Authorware, MS Producer…). Giáo án điện tử được lưu giữ trong hồ sơ bài giảng dưới hình thức: đĩa mềm và in thành văn bản.
Giáo án điện tử phải đảm bảo các yêu cầu:
– Đảm bảo tính chính xác, khoa học;
– Đảm bảo tính hệ thống, đủ nội dung, làm rõ trọng tâm cần trình bày;
– Đảm bảo về hình thức: đẹp, rõ ràng;
– Đảm bảo tính đa phương tiện, thể hiện ở sự kết hợp các phương tiện khác nhau nhằm thu hút người học: hình ảnh, âm thanh, hình ảnh đồ họa, phim minh họa, bảng đồ, biểu đồ…
– Dễ sử dụng.
c. Đề cương bài giảng
Thể hiện được nội dung, mục tiêu, yêu cầu, thời gian, phương tiện và phương pháp giảng dạy trong từng tiết giảng, từng thời gian cụ thể.
8. Tài liệu tham khảo, báo cáo ngoại khóa, báo cáo thực tế
a) Tài liệu tham khảo bao gồm: sách chuyên khảo; tài liệu sưu tầm, biên dịch; phim giáo khoa, bản ảnh…
Các tài liệu tham khảo được thống kê trong danh mục tài liệu tham khảo và được sắp xếp theo thứ tự: Tên tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản, nơi và năm xuất bản… theo thứ tự bảng chữ cái A, B, C… căn cứ theo tên tác giả.
b) Báo cáo ngoại khóa, báo cáo thực tế: Là hệ thống các báo cáo vụ việc, báo cáo sơ kết, tổng kết chuyên đề… kèm theo sơ đồ, biểu mẫu, băng, đĩa… phục vụ cho bài giảng.
9. Tư liệu ,đồ dùng ,dụng cụ phục vụ việc giảng dạy
Tư liệu ,đồ dùng ,dụng cụ phục vụ việc giảng dạy tùy theo yêu cầu, nội dung cụ thể của từng bài giảng.
10. Đáp án câu hỏi thảo luận, bài tập, tình huống thực hành
Căn cứ các câu hỏi thảo luận, tình huống bài tập, tình huống thực hành, giáo viên xây dựng đáp án chuẩn xác, ngắn gọn, giải quyết các vấn đề đã đưa ra.
11. Hệ thống câu hỏi và đáp án dùng cho thi, kiểm tra
a) Nội dung và đáp án câu hỏi
Câu hỏi và đáp án phải chuẩn xác, cụ thể, có hệ thống nhằm xác định trình độ nhận thức, hiểu biết và phân loại được trình độ của học viên. Nếu Khoa, Bộ môn đã có ngân hàng đề thi, kiểm tra thì trích câu hỏi từ ngân hàng này.
b) Hình thức
Câu hỏi bao gồm:
– Câu hỏi dùng cho thi viết (tự luận, trắc nghiệm);
– Câu hỏi thi vấn đáp;
– Câu hỏi kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ.
Chương III
TRÌNH TỰ THỰC HIỆN VÀ TRÁCH NHIỆM
CỦA CÁC ĐƠN VỊ, CÁ NHÂN TRONG XÂY DỰNG,
SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ HỒ SƠ BÀI GIẢNG
Điều 6. Trình tự xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng
1. Xây dựng hồ sơ bài giảng
a) Căn cứ chương trình đào tạo, các Khoa, Bộ môn xây dựng hệ thống danh mục hồ sơ bài giảng do đơn vị mình phụ trách trình Ban Giám hiệu ký quyết định lập hồ sơ bài giảng (thông qua Phòng Đào tạo).
b) Căn cứ quyết định lập hồ sơ bài giảng của Ban Giám hiệu, các Khoa, Bộ môn phân công và chỉ đạo giáo viên phụ trách bài giảng chuẩn bị, sưu tầm, thu thập tài liệu để xây dựng hồ sơ bài giảng.
2. Sử dụng, bổ sung và quản lý hồ sơ bài giảng
a) Các Khoa, Bộ môn phải thường xuyên tiến hành cập nhật, lưu giữ, khai thác, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng thuộc phạm vi đơn vị phụ trách.
b) Khi có thay đổi, bổ sung về chương trình đào tạo, các Khoa, Bộ môn phải kịp thời đề xuất, điều chỉnh danh mục hồ sơ bài giảng, tổ chức xây dựng hồ sơ bài giảng mới, chuyển sang chế độ lưu trữ các hồ sơ bài giảng không còn sử dụng.
c) Khi có quyết định của Ban Giám hiệu điều chỉnh phân công nội dung giảng dạy giữa các đơn vị, các Khoa, Bộ môn phải tổ chức bàn giao hồ sơ bài giảng cho Khoa, Bộ môn mới được phân công.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng
1. Các Khoa, Bộ môn
a) Trưởng Khoa, Bộ môn có trách nhiệm tổ chức xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng của đơn vị mình theo các quy định về quản lý hồ sơ và hồ sơ nghiệp vụ của Bộ Công an và của nhà trường.
b) Căn cứ chương trình đào tạo, chương trình học phần, các Khoa, Bộ môn đề xuất danh mục hồ sơ bài giảng để Ban Giám hiệu ra quyết định lập hồ sơ bài giảng( qua Phòng Đào tạo).
c) Phân công giáo viên xây dựng ,quản lý hồ sơ bài giảng: thường xuyên kiểm tra,đôn đốc các giáo viên trong việc thực hiện về quy định về hồ sơ bài giảng.
2. Phòng Đào tạo
a) Hướng dẫn và tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện công tác hồ sơ bài giảng của các Khoa, Bộ môn;
b)Trình Ban giám hiệu ký quyết định lập hồ sơ bài giảng trên cơ sở chương trình đào tạo,chương trình học phần và đề xuất của các Khoa,Bộ môn.
c) Cung cấp phương tiện, biểu mẫu phục vụ xây dựng hồ sơ bài giảng.
3. Phòng Hậu cần
Phòng Hậu cần đảm bảo kinh phí và phương tiện để Phòng Đào tạo, các Khoa, Bộ môn xây dựng và quản lý tốt hồ sơ bài giảng theo quy định.
4. Giáo viên
a) Nghiên cứu, nắm vững các quy định về hồ sơ bài giảng.
b) Xây dựng, sử dụng và quản lý hồ sơ bài giảng theo sự phân công của Trưởng Khoa, Bộ môn.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 9. Trách nhiệm thi hành
1. Các Khoa, Bộ môn, Phòng, các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục liên quan có trách nhiệm thi hành quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, các Khoa, Bộ môn, Phòng báo cáo về Ban Giám hiệu (qua Phòng Đào tạo) để xem xét giải quyết, chỉnh sửa cho phù hợp./.
HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
Đại tá Cao Đăng Nuôi