Quy định những việc phải làm trước, trong, và sau khi lên lớp giảng dạy của giáo viên

            BỘ CÔNG AN                                    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
   TRƯỜNG TRUNG CẤP                                            Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

CẢNH SÁT GIAO THÔNG 

QUY ĐỊNH
Những việc phải làm trước, trong và sau khi lên lớp giảng dạy của giáo viên
(Ban hành kèm theo Quyết định số 854/QĐ-T52 ngày 29/8/2012 của Hiệu trưởng Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông)

Để nâng cao hiệu quả chất lượng dạy học và thực hiện tốt nội quy, điều lệnh, chế độ công tác trong các hoạt động giảng dạy, Ban Giám hiệu quy định những việc chủ yếu phải làm trước, trong và sau khi lên lớp giảng dạy của giáo viên tại Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông như sau:
I. Công tác chuẩn bị trước khi lên lớp
Trước khi lên lớp giảng dạy, giáo viên cần thực hiện các nội dung sau: 1. Xây dựng, cập nhật, bổ sung, chỉnh lý giáo án (mỗi giáo án cần có một số trang mục lục ghi chú ý những mục có bổ sung, chỉnh lý hằng năm).
2. Nắm tình hình đặc điểm lớp học (ghi vào sổ nhật ký giảng dạy) thông qua việc phối hợp với Chủ nhiệm lớp tại Phòng Quản lý học viên trước khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy 01 tuần.
3. Xây dựng kế hoạch dạy học theo qui định.
4. Xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa đề cương hướng dẫn tự nghiên cứu, hướng dẫn thảo luận, hướng dẫn bài tập, thực hành, hệ thống câu hỏi và đáp án để kiểm tra kiến thức học viên.
5. Trình lãnh đạo Khoa, Bộ môn duyệt nội dung các loại tài liệu nói trên (Quy định ở các điểm 1; 3; 4 của mục I).
6. Gửi kế hoạch dạy học học phần cho Phòng Đào tạo, Phòng Quản lý học viên và lớp học trước hai ngày so với ngày lên lớp.
7. Chuẩn bị phương tiện và đồ dùng dạy học đầy đủ, theo từng bài giảng.
8. Giữ gìn tốt sức khỏe và chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác để đảm bảo thực hiện đúng điều lệnh, nội quy và thời gian lên lớp.
II. Thực hiện hoạt động lên lớp
Khi giảng dạy trên lớp, giáo viên cần thực hiện:
1. Kiểm tra quân số, nắm tình hình chung, tình hình thực hiện điều lệnh nội vụ của học viên và công tác vệ sinh lớp học (ghi chép những số liệu cơ bản vào sổ nhật kí giảng dạy, đồng thời thông tin, báo cáo kịp thời cho lãnh đạo Khoa, Bộ môn hoặc các đơn vị liên quan về tình hình lớp học, những vấn đề cần có sự lãnh đạo hoặc phối hợp của các đơn vị; trường hợp vượt quá khả năng giải quyết của bản thân và của đơn vị phải báo cáo ngay cho Ban Giám hiệu); thực hiện đúng chế độ báo cáo theo điều lệnh khi có cấp trên hoặc Hội đồng khoa học giáo dục đến dự giờ, kiểm tra lớp học. Kiểm tra và ký sổ đầu bài sau mỗi buổi lên lớp.
2. Kiểm tra việc nghiên cứu tự học và kiểm tra bài cũ hoặc kiến thức có liên quan đã học của học viên.
3. Phổ biến kế hoạch dạy học học phần, kế hoạch bài; tóm tắt những nội dung đã giảng dạy, giới thiệu những vấn đề sẽ trình bày.
4. Thực hiện các khâu của tiết, buổi giảng theo kế hoạch và lịch trình.
a) Giảng lý thuyết
– Thực hiện các phương pháp dạy học và sử dụng các phương tiện, trang thiết bị dạy học theo kế hoạch đã xác định.
– Trong khi giảng phải chú ý bao quát lớp học, quan sát học viên để linh hoạt điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Chú ý nhắc nhở và điều chỉnh kịp thời những học viên thiếu ý thức tập trung trong học tập.
– Hướng dẫn học viên chuẩn bị đề cương thảo luận, bài tập thực hành.
– Cuối mỗi buổi lên lớp, giáo viên hệ thống lại kiến thức đã trình bày, đồng thời giao nhiệm vụ nghiên cứu tự học cho học viên.
b) Tổ chức thảo luận, làm bài tập trên lớp
– Kiểm tra việc chuẩn bị của học viên.
– Nêu mục đích, phương pháp tiến hành thảo luận, làm bài tập.
– Học viên tự trình bày phần chuẩn bị của mình. Giáo viên ghi tóm tắt nội dung phương án giải quyết của từng học viên.
– Giáo viên phải chủ động điều chỉnh học viên giải quyết dứt điểm từng nội dung cụ thể của câu hỏi thảo luận, bài tập, tạo điều kiện cho học viên tham gia một cách tích cực, gợi ý được các tình huống tranh luận ở lớp nhằm thống nhất được cách giải quyết hiệu quả nhất.
– Cuối buổi giáo viên tóm tắt cách giải quyết của học viên và nêu đáp án. Đáp án của giáo viên phải đưa ra được các phương án giải quyết, trong đó có nêu phương án tối ưu.
c) Tổ chức học viên thực hành
– Tổ chức lớp học thích hợp để cho toàn thể học viên có thể quan sát các thao tác hướng dẫn của giáo viên (huấn luyện viên) một cách tốt nhất.
– Quán triệt mục đích, nội dung cần phải đạt được trong buổi thực hành.
– Phổ biến, quán triệt nội quy, quy trình an toàn và kỷ luật thao trường.
– Bố trí sử dụng phương tiện học tập phục vụ cho việc thực hành.
– Giáo viên (huấn luyện viên) thực hiện động tác làm mẫu. Động tác làm mẫu phải đảm bảo thuần thục, chính xác.
– Chọn và hướng dẫn học viên làm thử để các học viên khác quan sát.
– Phân chia học viên theo cặp, nhóm để thực hành.
– Giáo viên (huấn luyện viên) phụ trách bài giảng phải quan sát lớp học, phát hiện những thiếu sót của học viên để uốn nắn, điều chỉnh kịp thời.
– Cuối buổi thực hành giáo viên (huấn luyện viên) phải nhận xét đánh giá về tinh thần thái độ và chất lượng học tập của học viên để có những điều chỉnh kịp thời cho các buổi học tiếp theo.
III. Kết thúc lên lớp
1. Giải đáp, kiểm tra
a) Trước khi kết thúc bài giảng, giáo viên giải đáp những vấn đề vướng mắc của học viên (nếu có) trong khi học tập nghiên cứu bài.
b) Giáo viên kiểm tra đánh giá nhận thức của học viên bằng việc sử dụng độc lập hoặc kết hợp các hình thức: Vấn đáp, tự luận hoặc trắc nghiệm.
Việc kiểm tra thường xuyên hoặc kiểm tra định kỳ được tiến hành trong quá trình học học phần theo kế hoạch đã được phê duyệt. Sau khi kiểm tra, giáo viên phải chấm điểm và thông báo kết quả cho học viên trong thời gian quy định.
2. Sau mỗi buổi lên lớp, giáo viên phải phản ánh tình hình giảng dạy với lãnh đạo Khoa, Bộ môn. Sau khi kết thúc bài giảng, giáo viên phải có báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo Khoa, Bộ môn về tình hình lớp học; lãnh đạo Khoa, Bộ môn có ý kiến vào văn bản và lưu hồ sơ giảng dạy của giáo viên.
3. Sơ kết rút kinh nghiệm học phần
Khi kết thúc học phần, giáo viên cần hệ thống những nội dung trọng tâm của học phần và hướng dẫn học viên ôn tập phục vụ thi, kiểm tra. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Khoa, Bộ môn, giáo viên cần hướng dẫn cho Ban chỉ huy lớp tổ chức cho lớp học sơ kết rút kinh nghiệm trong quá trình học tập học phần. Việc sơ kết rút kinh nghiệm do Phòng Quản lý học viên xếp lịch, tổ chức và chủ trì. Nội dung sơ kết phải đánh giá được về ý thức, thái độ học tập, chất lượng học tập của học viên; đồng thời có đóng góp về nội dung, phương pháp giảng dạy của giáo viên và các điều kiện phục vụ học tập của Trường. Kết quả sơ kết rút kinh nghiệm gửi về Phòng Đào tạo và Khoa, Bộ môn phụ trách giảng dạy học phần.
Quy định này được thực hiện từ năm học 2012 – 2013. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện những điểm vướng mắc, chưa hợp lý các đơn vị báo cáo về Ban Giám hiệu (qua Phòng Đào tạo) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU TRƯỞNG
(Đã ký)
Đại tá Cao Đăng Nuôi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *