Nhà trường phải gắn liền với Thư viện, là nguyên tắc căn bản trong hoạt động giáo dục, đào tạo không chỉ ở nước ta mà trên thế giới đều như vậy. Thư viện Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông được xây dựng trong điều kiện nhà trường ở giai đoạn hình thành và xây dựng những cơ sở vật chất ban đầu.
Tuy nhiên, với phương châm chủ động khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo mà Bộ Công an giao cho nhà trường. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quan tâm, đầu tư xây dựng những cơ sở vật chất ban đầu để hình thành Thư viện nhà trường từng bước đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập của cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường.
Với định hướng là xây dựng Thư viện nhà trường thành Trung tâm tư liệu, giáo khoa có hệ tài liệu và các ấn phẩm phong phú, đa dạng đảm bảo đáp ứng được yêu cầu công tác tại nhà trường trong thời gian đến. Đồng thời, từng bước hình thành các cơ sở vật chất cần thiết để tiến tới xây dựng Thư viện thành Thư viện điện tử hiện đại khi có đủ điều kiện, góp phần xây dựng Nhà trường thành một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học của lực lượng Cảnh sát nhân dân ở khu vực miền Trung và Tây nguyên. Thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu và đội ngũ cán bộ làm công tác Thư viện đã có những bước làm đột phá, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh chung của nhà trường. Kết quả đó thể hiện ở một số mặt công tác sau:
I. Một số thành quả ban đầu:
1. Hoạt động của thư viện truyền thống.
Thư viện nhà trường trực thuộc phòng Đào tạo quản lý, với biên chế hiện nay là 06 cán bộ (trong đó 01 đồng chí Phó Trưởng phòng đào tạo trực tiếp quản lý, 05 cán bộ chuyên trách). Với biên chế cán bộ còn hạn chế. Song, thời gian qua, hoạt động của Thư viện nhà trường bước đầu đáp ứng yêu nghiên cứu, tham khảo tài liệu của cán bộ, giáo viên nhà trường. Hiện nay, với tổng số các ấn phẩm, tài liệu hiện đang được trang bị tại Thư viện với 1469 đầu sách, gồm 9311 bản, Trong đó, giáo trình các loại có 5154 bản, sách tham khảo các loại có 4157 bản. Nguồn tài liệu do cán bộ, giáo viên nhà trường hiến tặng là: 300 đầu sách với 475 bản, gồm các loại sách nghiệp vụ, tham khảo, tài liệu, các đề tài nghiên cứu khoa học; Đã phục vụ 200-250 lượt cán bộ, giáo viên nghiên cứu, tham khảo; Các ấn phẩm báo chí được cập nhật hằng ngày và phân phát cho các đơn vị kịp thời cập nhật thông tin. Tài liệu được trang bị phần lớn là những loại có giá trị lý luận và thực tiễn cao, được nghiệm thu ở Hội đồng khoa học các cấp và được tuyển chọn từ nhiều nguồn trong và ngoài ngành Công an.
2. Xây dựng và hoàn thiện mạng Internet của nhà trường
Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên nhà trường thuận lợi trong công tác truy cập thông tin, phục vụ công tác chuyên môn, thời gian qua Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai lắp đặt đường truyền kết nối mạng internet không dây, đường truyền cáp quang tốc độ cao tại Cơ sở 1, Cơ sở 2 và nhà ở tập thể của giáo viên, cán bộ nhà trường. Hiện nay, các khu vực trong khuôn viên nhà trường đều đã được phủ sóng Internet, tất cả các phòng làm việc của các đơn vị được kết nối và truy cập mạng thông qua hệ thống đường truyền cáp quang. Máy tính xách tay của cán bộ, giáo viên đều có thể truy cập qua hệ thống mạng không dây, đảm bảo việc khai thác và cập nhật thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống Mạng nội bộ của nhà trường
Cùng với việc lắp đặt mạng Internet, Ban Giám hiệu nhà trường đã triển khai kế hoạch xây dựng mạng nội bộ (mạng LAN) của nhà trường tại Cơ sở 1, phục vụ cho khối giáo dục và đào tạo của nhà trường. hệ thống mạng, gồm: 01 máy chủ và 15 máy trạm, được kết nối đến các Khoa, Phòng, Bộ môn và Trung tâm. Xây dựng và từng bước hoàn thiện Mạng nội bộ của nhà trường nhằm là bước đột phá trong tư duy quản lý của Lãnh đạo nhà trường, nhằm từng bước hiện đại hóa Thư viện nhà trường thành nơi lưu trữ tài liệu, tư liệu tạo điều kiện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ và công nhân viên nhà trường có thể trao đổi, cập nhật và nghiên cứu thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện và khoa học. Đồng thời, từng bước hình thành thói quen tra cứu, sử dụng và trao đổi thông tin, tài liệu trên mạng, thông tin nội bộ trong đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường để phục vụ công tác chuyên môn đạt hiệu quả.
Thời gian qua, hoạt động của mạng nội bộ hướng tới giải quyết tốt các vấn đề của nhà trường đang đặt ra:
– Phục vụ đắc lực cho cho công tác quản lý điều hành của Ban Giám hiệu đến các đơn vị chức năng trong nhà trường;
– Phục vụ công tác chuyên môn cũng như quan hệ phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nhà trường một cách nhanh chóng, hiệu quả và an toàn;
– Phục vụ đắc lực cho công tác cải cách hành chính trong nhà trường;
– Từng bước hình thành và tích lũy nguồn tài nguyên số đa dạng, phong phú để đáp ứng yêu cầu xây dựng Thư viện điện tử khi có đủ điều kiện.
Hướng tới mục tiêu đó, mạng nội bộ của nhà trường làm tốt công tác quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu trên các lĩnh vực như: Công tác giáo dục, đào tạo nghiên cứu khoa học; Công tác xây dựng lực lượng; công tác hậu cần đảm bảo; Công tác quản lý, giáo dục sinh viên; Diễn đàn trao đổi thông tin trong công tác giảng dạy; Thư viện tổng hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu đã được số hóa; Hình thành và khai thác các chức năng trên trang Web của Nhà trường. Hiện nay, mạng nội bộ của trường đã được kết nối đến các đơn vị tại Cơ sở 1, phục vụ hoạt động của Khối giáo dục – Đào tạo. Trong tương lai, khi đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, mạng nội bộ sẽ kết nối đến các khu giảng đường và các phòng ở trong các ký túc xá của sinh viên tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu thông tin phục vụ các mặt công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại trường.
4. Xây dựng và hoạt động có hiệu quả Trang thông tin điện tử tổng hợp của nhà trường tại địa chỉ: “http://www.tcsgt.edu.vn”. Hoạt động của Trang thông tin điện tử tổng hợp của nhà trường vừa phục vụ cho công tác công khai chất lượng giáo dục, đào tạo của nhà trường theo quy định của Nhà nước và cũng là một trong những kênh quan trọng góp phần quảng bá hình ảnh của nhà trường trong và ngoài nước. Đồng thời là diễn đàn để cán bộ, giáo viên nhà trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác với bạn bè trong và ngoài nước.
II. Định hướng phát triển của Thư viện nhà trường trong thời gian tới
Hoạt động của Thư viện trường trong thời gian tới phát huy tính chủ động phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, học tập và triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý của nhà trường. Cụ thể là:
1. Đối với thư viện truyền thống
Có thể khẳng định: sự xuất hiện các nguồn tài nguyên điện tử và khả năng truy cập đến các nguồn tài nguyên này đang phát triển mạnh mẽ. Dù có bị ảnh hưởng, tuy nhiên văn hóa đọc vẫn tồn tại và nhu cầu về đọc sách, đọc tài liệu và khai thác thông tin dạng in ấn vẫn được tiếp tục duy trì và phát triển. Điều này cho thấy, việc duy trì hệ thống phục vụ tư liệu truyền thống vẫn cần phải được quan tâm và đầu tư đúng mức. Vì vậy, thời gian tới thư viện truyền thống phải làm tốt các chức năng sau:
– Chủ động tham mưu cho Ban Giám hiệu nhà trường xây dựng quy hoạch, kế hoạch hoạt động dài hạn và ngắn hạn của thư viện trong việc bổ sung nguồn tài liệu, ấn phẩm ngày càng đa dạng, phong phú. Đồng thời, tổ chức điều phối toàn bộ hoạt động của hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện trong nhà trường một cách hiệu quả;
– Nghiên cứu ứng dụng phần mềm tin học trong công tác quản lý, khai thác các thông tin, tài liệu tại thư viện nhà trường hiệu quả;
– Thực hiện tốt chức năng hợp tác, trao đổi các loại giáo trình, tài liệu, ấn phẩm có giá trị với các cơ sở đào tạo, các đơn vị nghiệp vụ trong và ngoài ngành phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và học tập tại nhà trường.
2. Mạng nội bộ
– Từng bước ứng dụng và khai thác có hiệu quả phần mềm tin học số hóa tài liệu; thu thập, xây dựng hệ thống dữ liệu điện tử, hình thành danh mục hệ thống tài liệu điện tử, tạo ngân hàng tin điện tử để đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như về lâu dài phù hợp với lộ trình xây dựng và phát triển của nhà trường;
– Thiết lập hệ thống mạng trực tuyến nội bộ giữa các đơn vị trong nhà trường trong công tác số hóa tài liệu, xây dựng hệ thống danh mục dữ liệu điện tử để khai thác và quản lý tài liệu có hiệu quả;
– Tham mưu cho Ban Giám hiệu trong việc phân cấp quản lý đối với các loại tài liệu số hóa, thẩm quyền khai thác và sử dụng tài liệu một cách khoa học, hiệu quả; Trực tiếp quản lý tài liệu đã qua số hóa theo đúng quy định, không để thất thoát hay lộ lọt ra bên ngoài;
3. Từng bước xây dựng nguồn tài nguyên số, hình thành cơ sở dữ liệu của điện tử trong Thư viện số;
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thư viện tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài ngành là một điều tất yếu để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo. Đối với Trường Trung cấp cảnh sát giao thông, trong lộ trình xây dựng và phát triển nhà trường, sau năm 2016 sẽ nâng nhà trường thành Trường cao đẳng đào tạo đa chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu cán bộ cho Công an các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Vì vậy, xây dựng Thư viện nhà trường thành một Thư viện điện tử hiện đại là một yêu cầu tất yếu, khách quan trong lộ trình phát triển chung của nhà trường.
Thực tế đó, đòi hỏi phải có một mô hình thư viện điện tử vừa hiện đại và phải phù hợp với quy mô, đặc trưng đào tạo của nhà trường. Để xây dựng thành công Thư viện điện tử của nhà trường thì cần 03 yếu tố cơ bản, đó là: nhân tố con người mà trực tiếp là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp khai thác vận hành; Ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến hiện đại trong công tác quản lý, điều hành, khai thác có hiệu quả; Sản phẩm được sử dụng phục vụ việc khai thác, trao đổi nguồn đó là nguồn tài nguyên số hóa, nguồn tài nguyên điện tử trực tuyến. Quá trình này đòi hỏi nhà trường phải có quá trình chuẩn bị trong thời gian dài.
4. Nâng cao chất lượng hoạt động của Trang thông tin điện tử tổng hợp của nhà trường
Trang thông tin điện tử tổng hợp của nhà trường góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của nhà trường trong công tác giáo dục đào tạo. Là một trong các kênh thông tin quan trọng để nhà trường công khai và khẳng định chất lượng của hoạt động giáo dục, đào tạo tại nhà trường. Đồng thời làm tốt chức năng quảng bá, xây dựng hình ảnh của nhà trường trong và ngoài ngoài nước. Hoạt động của Trang thông tin điện tử tổng hợp phải gắn liền và phục vụ đắc lực các nhiệm vụ quan trọng của nhà trường trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cần làm tốt chức năng là cầu nối, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên và học viên trong nhà trường thiết lập, tăng lường quan hệ, giao lưu với bạn bè trong và ngoài ngành, trong nước cũng như ngoài nước trong công tác trao đổi thông tin.
III. Một số giải pháp xây dựng và phát triễn Thư viện nhà trường trong giai đoạn hiện nay
Một là, tăng cường hiệu quả công tác đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nguồn tài liệu ấn phẩm trang bị cho Thư viện nhà trường. Tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tốt nhất yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập tại nhà trường trong thời điểm hiện nay. Để thực hiện tốt công tác này, cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, sự phối hợp hoạt động hiệu quả của các đơn vị trong nhà trường, ý thức trách nhiệm của cán bộ giáo viên và học viên toàn trường. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý Thư viện phải không ngừng nâng cao ý thức trong công tác quản lý, phục vụ đối với hoạt động của truyền thống, đảm bảo giải quyết tốt nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giáo viên, cán bộ và học viên nhà trường trong công tác. Đây là vấn đề mang tính cấp thiết, vừa phục vụ lợi ích trước mắt cũng như về lâu dài trong hoạt động giáo dục và đào tạo của nhà trường.
Hai là, đẩy mạnh việc ứng dụng và khai thác có hiệu quả các chương trình công nghệ thông tin trong công tác quản lý thư viện. Phối hợp và khai thác có hiệu quả với chương trình phần mềm công nghệ tin học đang triển khai hoạt động tại nhà trường, như: Mạng nội bộ, các chương trình số hóa tài liệu, khai thác, trao đổi thông tin trên Trang thông tin điện tử của nhà trường. Trước mắt, cần khai thác, xử lý số hóa có hiệu quả đáp nguồn tài nguyên hiện có tại nhà trường để khai phục vụ công tác chung của nhà trường. Về lâu dài, cần xây dựng chiến lược trong việc tạo lập, hình thành nguồn tài nguyên số hóa, tài nguyên điện tử. Trong đó, cần xác định lựa chọn nguồn tài nguyên số hóa, mục tiêu số hóa, tiêu chuẩn số hóa nguồn tài liệu và quản lý, khai thác nguồn tài nguyên này ứng với từng thời điểm phát triển của nhà trường,… Để đảm bảo trong thời điểm nào cũng có thể đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giáo viên, cán bộ và học viên nhà trường. Công tác này có tính chất lâu dài, liên quan đến các lĩnh vực trong và ngoài ngành Công an nên cần có sự định hướng, phân công, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong nhà trường, đặt dưới sự quản lý, chỉ đạo, điều hành thống nhất của Ban Giám hiệu.
Ba là, cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện đủ về số lượng, có kiến thức, năng lực chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu khai thác, cập nhật thông tin, quản lý và phục vụ yêu cầu của cán bộ, giáo viên và học viên nhà trường. Đội ngũ cán bộ đảm bảo thực hiện tốt công tác chuyên môn, đồng thời vừa làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trong công tác quản lý, xây dựng Thư viện nhà trường. Đây là nhân tố quan trọng, quyết định đến thành công của công tác xây dựng và hoạt động của hệ thống thư viện nhà trường hiện nay cũng như trong thời gian tới. Trước mắt cần quan tâm đào tạo. bồi dưỡng đối với số cán bộ hiện đang làm công tác thư viện để đáp ứng yêu cầu khai thác và quản lý tốt hệ thống thư viện hiện tại. Trong định hướng phát triển của nhà trường cần quan tâm tuyển chọn những cán bộ được đào tạo chuyên ngành quản lý thư viện, cán bộ có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu khai thác, quản lý thư viện nhà trường khi được xây dựng hoàn thiện./.
Trần Việt Thanh