Điều lệnh Công an nhân dân (CAND) bao gồm Điều lệnh nội vụ, Điều lệnh đội ngũ và Nghi lễ CAND, do Bộ trưởng Bộ Công an quy định, bắt buộc mọi cán bộ, chiến sỹ CAND phải thực hiện khi công tác, chiến đấu, sinh hoạt, hội họp, học tập.
Cùng với quá trình phát triển của lực lượng CAND, Điều lệnh CAND đã được nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới của đất nước. Mới đây nhất, ngày 10 tháng 4 năm 2012, Thượng tướng Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 17 quy định về Điều lệnh nội vụ, Thông tư số 18 quy định về Điều lệnh đội ngũ, Thông tư số 19 quy định về Nghi lễ Công an nhân dân. Việc ban hành Thông tư quy định về Điều lệnh và Nghi lễ CAND lần này có ý nghĩa rất quan trọng, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản công tác Điều lệnh, là cơ sở pháp lý góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Nhằm giúp người đọc tiếp cận với 03 (ba) Thông tư trên một cách nhanh chóng và thuận tiện nhất, tác giả mạnh dạn giới thiệu một số điểm mới so với Điều lệnh CAND năm 2004 như sau:
Thông tư số 17/2012/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điểm mới:
Điều 7, quy định về việc Ra chỉ chị, mệnh lệnh: Cấp trên chỉ thị, mệnh lệnh phải qua từng cấp, từ trên xuống dưới theo hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân; khi cần thiết có thể ra chỉ thị, mệnh lệnh trực tiếp không qua thủ trưởng quản lý cán bộ, chiến sĩ.
Sửa cụm từ “ra chỉ thị, mệnh lệnh vượt cấp” thay bằng cụm từ “ra chỉ thị, mệnh lệnh trực tiếp”.
Điều 36, quy định về Chào: Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân khi gặp nhau phải chào; cấp dưới phải chào cấp trên trước; cùng chức vụ thì người có cấp bậc thấp hơn phải chào trước; ngang chức, ngang cấp thì người nào tuổi đời thấp hơn hoặc nhìn thấy trước phải chào trước; người được chào phải chào lại; khi mặc trang phục có đội mũ hoặc không đội mũ phải chào bằng động tác theo điều lệnh đội ngũ hoặc chào bằng lời, hoặc kết hợp chào bằng động tác và bằng lời; thường xuyên gặp nhau trong ngày thì lần đầu chào bằng động tác, lần sau chào bằng lời; mặc thường phục chỉ chào bằng lời.
Sửa đổi, bổ sung: ” có đội mũ hoặc không đội mũ phải chào bằng động tác theo điều lệnh đội ngũ hoặc chào bằng lời, hoặc kết hợp chào bằng động tác và bằng lời” và “mặc thường phục chỉ chào bằng lời”.
Điều 38, quy định về xưng hô khi giao tiếp: Khi làm nhiệm vụ, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ chiến sĩ xưng hô với nhau bằng “đồng chí” và “tôi”, sau tiếng “đồng chí” có thể gọi cấp bậc, họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc; đối với cấp trên có thể gọi là “thủ trưởng”. Trong các học viện, nhà trường CAND ngoài việc xưng hô như trên, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể xưng hô bằng “thầy”, “cô” và “em”.
Lưu ý: Không xưng hô với nhau bằng các từ ngoài xã hội “đại ca” “xếp”, từ gia đình “bố con” “chú cháu”, từ địa phương “anh hai” “chị ba” “chú út”…
– Ngoài giờ làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
– Cán bộ, chiến sĩ khi nghe gọi tên mình thì trả lời “có”, nhận lệnh hoặc trao đổi xong công việc thì trả lời “rõ”, chưa rõ phải hỏi lại (bổ sung thêm ý “trao đổi xong công việc”).
Điều 39, quy định về ứng xử khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dân: Trước khi vào phòng làm việc của người khác phải gõ cửa, được sự đồng ý mới vào (Điều lệnh nội vụ cũ quy định chỉ vào phòng làm việc của cấp trên mới phải gõ cửa). Cấp dưới xin gặp cấp trên phải nêu rõ lý do, cấp trên đồng ý mới được gặp (bổ sung mới); khi gặp không mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ; khi tiếp xúc với cấp trên, cấp dưới không tự động bắt tay trước hoặc tự ý kéo ghế ngồi; phải chào cấp trên trước khi ra về.
Điều 43, quy định những điều cấm đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân:
– Không đeo kính màu đen khi trực tiếp giải quyết công việc với người khác; không đút tay vào túi quần hoặc túi áo khi làm nhiệm vụ.
– Không nhuộm tóc khác màu đen; móng tay, móng chân không để dài và không sơn màu. Cán bộ chiến sĩ nam không để tóc dài trùm tai, trùm gáy hay cắt tóc quá ngắn; không để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt. Cán bộ chiến sĩ nữ tóc phải gọn gàng.
Sửa cụm từ “Cán bộ chiến sĩ nam phải cạo râu, ria, ở cằm, ở cổ, trên mặt” bằng cụm từ “không để râu, ria ở cằm, ở cổ và trên mặt”. Sửa cụm từ “không đeo kính dâm” bằng cụm từ “Không đeo kính màu đen”.
Bổ sung: Móng chân không để dài; không uống chất có cồn trong giờ làm việc; không sử dụng trái phép chất gây nghiện; không hút thuốc khi làm nhiệm vụ và ở những nơi có quy định cấm.
– Ngoài phòng làm việc và phòng ở còn bổ sung thêm nội dung: Không để bàn thờ, bát hương, thắp hương trong hội trường, nhà kho, nhà ăn tập thể, nơi để hồ sơ tài liệu thuộc phạm vi trụ sở đơn vị Công an (trừ khi tổ chức lễ tang).
Điều 45, quy định nội vụ, vệ sinh nơi ăn, ngủ, nghỉ của cán bộ, chiến sĩ bổ sung mới nội dung: Nhà ăn tập thể phải có tủ lưu nghiệm thức ăn hàng ngày; thủ trưởng đơn vị phải thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn của cán bộ, chiến sĩ; cán bộ chiến sĩ khi đi ăn tại nhà ăn tập thể phải mặc quần dài, áo có tay, đi giầy hoặc dép.
Thông tư số 18/2012/TT-BCA sửa đổi, bổ sung một số điểm như sau:
Điều 17, quy định động tác chào, thôi chào khi mặc trang phục, đội mũ hoặc không đội mũ, vị trí tay chào bên phải vành lưỡi trai (đối với mũ kêpi); các loại mũ khác thì đầu ngón tay giữa chạm vào vành mũ bên phải trên đuôi lông mày phải. Động tác chào khi không đội mũ thì đầu ngón tay giữa đặt sát và ngang đuôi lông mày bên phải.
Điều 18 quy định động tác chào báo cáo về nội dung báo cáo được chia làm ba trường hợp như sau:
– Báo cáo cấp trên hoặc khi có đoàn kiểm tra đến thăm, làm việc: Xưng đầy đủ theo thứ tự: “tôi, cấp bậc, họ tên, chức vụ cao nhất về chính quyền (nếu có), báo cáo đồng chí cấp bậc (nếu có), họ tên, chức vụ chính quyền; cán bộ, chiến sĩ, học viên đang làm việc hoặc huấn luyện, học tập…xin chỉ thị đồng chí (nếu báo cáo lãnh đạo Bộ), xin ý kiến đồng chí (đối với các trường hợp khác), báo cáo hết (trường hợp không phải xin ý kiến)”.
– Báo cáo trong các hội nghị, hội thi, hội thi, hội thao, buổi lễ, học tập: Xưng đầy đủ theo thứ tự: “Tôi, cấp bậc, họ tên, trực ban hội nghị…, báo cáo đồng chí cấp bậc (nếu có), họ tên, chức vụ cao nhất về chính quyền, đại biểu hoặc cán bộ, chiến sĩ, học viên dự hội nghị…đã có mặt, đội ngũ chỉnh tề, xin chỉ thị đồng chí (nếu báo cáo lãnh đạo Bộ), xin ý kiến của đồng chí (đối với trường hợp khác), báo cáo hết (trường hợp không phải xin ý kiến), kính mời đồng chí lên vị trí chủ lễ (nếu báo cáo trong buổi lễ chào cờ)”.
– Báo cáo trong nghi lễ đón tiếp:
+ Đối với khách trong nước: Đội trưởng Đội danh dự báo cáo: “Tôi, cấp bậc, họ tên, Đội trưởng đội danh dự (nêu tên đơn vị đón tiếp), báo cáo đồng chí cấp bậc (nếu có), họ tên, chức vụ cao nhất về Đảng, cao nhất về chính quyền, Đội danh dự nhiệt liệt chào mừng đồng chí đến thăm (tên đơn vị), kính mời đồng chí duyệt Đội danh dự”.
+ Đối với khách nước ngoài: Đội trưởng đội danh dự báo cáo: ” Tôi, cấp bậc, họ tên, đội trưởng đội danh dự (nêu tên đơn vị đón tiếp), báo cáo đồng chí, hoặc ngài, hoặc bà hoặc gọi theo vương hiệu (tùy theo quan hệ ngoại giao để xưng hộ cho phù hợp), cấp bậc (nếu có), họ tên, chức vụ, tên nước, đội danh dự nhiệt liệt chào mừng đồng chí hoặc ngài, hoặc bà hoặc vương hiệu đến thăm (tên đơn vị), kính mời đồng chí hoặc ngài, hoặc bà hoặc vương hiệu duyệt đội danh dự
Thông tư số 19/2012/TT-BCA sửa đổi bổ sung một số điểm như sau:
Mục 1, quy định về lễ chào cờ:
– Chủ lễ: Khi chào cờ đứng đối diện cột cờ, phía trước, bên trên và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi nhận xét, đánh giá tình hình, kết quả công tác thì hướng về đơn vị. Tổ chức lễ chào cờ ở trong nhà khi chào cờ, Chủ lễ đứng phía trên, chính giữa và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi nhận xét đánh giá tình hình, kết quả công tác của đơn vị, Chủ lễ đứng trên bục hoặc ở vị trí thích hợp (Nghi lễ 2004 quy định Chủ lễ đứng giữa đội hình, không quy định đứng trên bục).
– Trực ban buổi lễ: Trước khi tiến hành lễ chào cờ và trước khi kết thúc lễ chào cờ phải báo cáo, xin ý kiến Chủ lễ. Khi chào cờ đứng phía trên, bên phải, chếch đội hình đơn vị 450, cách đội hình một khoảng cách thích hợp; khi lãnh đạo đơn vị nhận xét, trực ban buổi lễ chào cờ đứng bên phải, ngang hành đầu đội hình đơn vị (Nghi lễ 2004 quy định khi Chủ lễ nhận xét, trực ban đi vòng phía sau về đứng đầu hàng bên trái đội hình chào cờ). Tổ chức lễ chào cờ ở trong nhà thì khi chào cờ, trực ban đứng phía trên, bên phải và cách đội hình đơn vị một khoảng cách thích hợp; khi lãnh đạo đơn vị nhận xét, trực ban về bên phải, ngang hàng đầu đội hình đơn vị.
– Cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề danh dự: đứng bên trái, ngang hàng và cách chủ lễ khoảng 1 mét. Khi tổ chức lễ chào cờ trong nhà thì cán bộ, chiến sĩ đọc 5 lời thề danh dự đứng bên trái, ngang hàng và cách chủ lễ một khoảng cách thích hợp (Nghi lễ 2004 quy định CBCS đọc 5 lời thề đứng ngang và cách chủ lễ 1m). Trước khi đọc 5 lời thề phải xưng danh: ” Chúng tôi, cán bộ chiến sĩ đơn vị…, dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, xin thề…”(Nghi lễ 2004 không có quy định này).
– Lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ: đứng thành một hàng dọc, chính giữa đội hình, chủ lễ chào cờ đứng trước. Tổ chức trong nhà thì lãnh đạo đơn vị tổ chức lễ đứng hàng trên cùng, tiếp theo là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và cán bộ chiến sĩ (Nghi lễ 2004 không có quy định này).
– Các đơn vị trực thuộc đứng thành một hoặc nhiều hàng dọc;
Chú ý: đội hình chào cờ đứng thành hàng ngang, giãn cách giữa các đơn vị là 70cm, giãn cách giữa hàng lãnh đạo đơn vị tổ chức buổi lễ với các đơn vị là 1 mét.
– Vị trí của lãnh đạo đơn vị tổ chức chào cờ: Đứng thành một hàng dọc giữa đội hình, Chủ lễ đứng trước (Nghi lễ 2004 quy định lãnh đạo đơn vị đứng thành 1 hàng ngang bên phải đội hình).
– Khi tiến hành lễ chào cờ, Trực ban buổi lễ tập hợp đơn vị, chỉnh đốn hàng ngũ, kiểm tra quân số, báo cáo chủ lễ, Chủ lễ nhận báo cáo xong ra khẩu lệnh “đồng chí cho tiến hành buổi lễ” (Nghi lễ 2004 không có quy định này).
– Khi chủ lễ lên vị trí, đồng chí lãnh đạo đứng liền sau chủ lễ vẫn đứng tại chỗ, không bước lên đứng vào vị trí của Chủ lễ, khi chào cờ vẫn thực hiện động tác chào.
– Khi hô khẩu lệnh chào cờ, chủ lễ, trực ban buổi lễ và cán bộ, chiến sĩ đứng hàng trên cùng (kể cả trường hợp chào cờ ở ngoài trời hoặc trong nhà, đội mũ hoặc không đội mũ) phải thực hiện động tác chào cờ (Nghi lễ 2004 quy định khi chào cờ, tất cả cán bộ, chiến sĩ giơ tay thực hiện động tác chào), cán bộ chiến sĩ còn lại đứng nghiêm, hát Quốc ca một lần lời một; hát Quốc ca xong, trực ban buổi lễ hô “thôi”, cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện động tác chào về tư thế đứng nghiêm. Quy định như hiện nay để thống nhất với quân đội.
Về Nghi lễ đón tiếp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an và các đoàn khách quốc tế quy định đối với tổ Công an kỳ: đồng chí giữ Công an kỳ đeo súng ngắn; bảo vệ công an kỳ: sỹ quan thì đeo súng ngắn, Hạ sỹ quan treo súng AK (Nghi lễ 2004 quy định 2 chiến sỹ bảo vệ Công an kỳ treo súng AK).
Trong phạm vi bài viết không đề cập hết toàn bộ những nội dung đã được sửa đổi, bổ sung và cũng không viện dẫn toàn bộ từng quy định mà chỉ nghiên cứu, giới thiệu một số điểm nổi bật nhất so với quy định về Điều lệnh và Nghi lễ CAND ban hành năm 2004, rất mong nhận được sự góp ý, phản hồi của bạn đọc./.
Mai Thành Nam.