Xây dựng đội ngủ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đào tạo tại trường Trung cấp Cảnh Sát Giao Thông

Ngày 09/8/2010, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3177/QĐ-BCA về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông. Từ những ngày đầu mới thành lập, đến nay sau gần 01 năm triển khai hoạt động, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Nhà trường đã từng bước có sự thay đổi nhiều mặt cả về số lượng lẫn chất lượng, đáp ứng việc thực hiện yêu cầu tuyển sinh mà lãnh đạo Bộ giao từ năm học 2012-2013.
Từ đòi hỏi của tình hình thực tế, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong Nhà trường cần phải tiến hành khẩn trương, bền vững, khoa học để phục vụ chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có trình độ Trung cấp cho lực lượng Công an nhân dân. Muốn xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục Nhà trường trong thời gian tới, theo chúng tôi cần nhìn nhận các vấn đề sau:
Thứ nhất, tình hình đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục
Theo thống kê, hiện nay toàn trường có 01 nghiên cứu sinh, 11 thạc sỹ, 11 đang học cao học trong tổng số 106 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Bước đầu với một trường mới thành lập, công việc còn bề bộn khó khăn nhưng những con số trên đã thể hiện một cái nhìn lạc quan, một tín hiệu đáng mừng về chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ nhà trường. Tuy nhiên, nhìn về định hướng phát triển của nhà trường trong những năm tiếp theo, nhất là khi Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chương trình số 10/CTr-BCA-X11 ngày 13 tháng 9 năm 2011 xác định: “phấn đấu đến năm 2015, 30% giáo viên các trường trung cấp có trình độ thạc sỹ”; Quyết định 1229/QĐ-TTg ngày 22 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định: “có 30% giáo viên các trường trung cấp, 40% cán bộ quản lý các trường cao đẳng, trung cấp đạt trình độ thạc sỹ” thì yêu cầu học tập, nâng cao trình độ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhà trường là hết sức cần thiết, khẩn trương.
Trong lộ trình tuyển sinh đã được Lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt theo Quyết định số 4291/QĐ-BCA ngày 12 tháng 10 năm 2011 thì năm học 2012-2013, Nhà trường tuyển sinh 02 chuyên ngành: Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Cảnh sát giao thông đường thủy với 300 học viên. Nhưng từ năm học 2013-2014 trở đi, hàng năm nhà trường sẽ mở thêm các chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát nhân dân để đáp ứng nhu cầu cán bộ của Công an các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đến năm học 2016-2017 sẽ tuyển sinh đầy đủ 09 chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Sự phát triển và mở rộng các chuyên ngành là tất yếu của quá trình đào tạo trong lực lượng Công an nhân dân trong cả nước nói chung và khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng. Nhưng để chủ động và theo kịp nhu cầu tất yếu này, đòi hỏi nhà trường và nhất là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng học tập, đáp ứng yêu cầu.
Trước hết, chủ trương của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường học tập, nâng cao trình độ. Trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn, chỗ ăn ở chưa ổn định; nhưng Ban Giám hiệu xác định cần xây dựng lộ trình học tập, nâng cao trình độ cho giáo viên nhà trường tầm nhìn đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Kế hoạch đào tạo xác định rõ đối tượng cần học tập là những ai? Học tập vào thời điểm nào? Học tập tại đâu. Những vấn đề trên là cơ sở pháp lý đảm bảo để cán bộ, giáo viên chủ động xác định yêu cầu cần thiết đối với bản thân khi tham gia học tập nâng cao trình độ.
Về cơ sở đào tạo Sau đại học, đội ngũ giáo viên nhà trường có thể tham gia học tập tại các cơ sở của ngành như: Học viện An ninh, Học viện Cảnh sát, Trường Đại học CSND, Trường Đại học ANND…do giáo viên nhà trường được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. Ngoài ra, giáo viên các Bộ môn Chính trị xã hội, Quân sự võ thuật-thể dục thể thao, Ngoại ngữ-Tin học, Bộ môn Pháp luật… có thể tham gia học tập nâng cao trình độ ở các cơ sở giáo dục ngoài ngành. Với lợi thế như vậy, giáo viên cần chủ động đăng ký và xác định lộ trình học tập một cách cụ thể để không phải ngỡ ngàng khi tham gia học tập, nâng cao trình độ.
Và tiếp theo là vấn đề ý thức, trách nhiệm của cá nhân giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong việc học tập, nâng cao trình độ. Mỗi người phải xác định
cho mình tâm thế để sẵn sàng đón nhận một công việc mà cả đời người phải nổ lực, phấn đấu không ngừng, đó là “học, học nữa, học mãi”. Tâm thế ấy phải xác định trên nhiều góc độ: chuẩn bị cho mình nền tảng kiến thức vững chắc để có thể tham gia thi tuyển đầu vào; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vật chất hỗ trợ cho việc học tập gồm nhiều khoản chi tiêu mà nếu không có sự đầu tư, tích góp thì rất dễ lúng túng; chuẩn bị điều kiện sức khỏe đảm bảo để tham gia thi tuyển và học tập… Sự chuẩn bị chu đáo quyết định rất lớn đến sự thành công của từng cá nhân. Do đó, ngay khi có kế hoạch xác định quá trình học tập của bản thân, mỗi đồng chí cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tham gia học tập đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, vấn đề bồi dưỡng giáo viên
Hiện nay nhà trường có 01 giáo viên cao cấp trung cấp chuyên nghiệp, 02 huấn luyện viên cao cấp quân sự võ thuật, 08 giáo viên chính trung cấp chuyên nghiệp, 01 huấn luyện viên chính trung cấp chuyên nghiệp; 21 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 39 giáo viên tập sự. Đội ngũ giáo viên về cơ bản bước đầu có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường ở các môn học theo chương trình. Những môn học còn thiếu giáo viên, nhà trường có thể mời giáo viên các trường trong ngành tham gia. Tuy nhiên, theo lộ trình tuyển sinh từ năm học 2013-2014, nhà trường sẽ có thêm các chuyên ngành mới. Do đó, việc đào tạo giáo viên để dần dần tăng cường cho các đơn vị mới thành lập là công việc cần phải chú ý ngay từ bây giờ. Công việc nay đòi hỏi ở một số nội dung sau:
– Công tác bồi dưỡng, duyệt giảng giáo viên:
+ Đối với giáo viên đã qua duyệt giảng nhưng chưa được công nhận giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; nhà trường liên hệ với các trường Trung cấp trong ngành để giáo viên được tham gia giảng dạy với thời lượng từ 02 học trình trở lên để phục vụ cho việc xét chức danh. Quá trình này, ngoài sự phối hợp của nhà trường, còn đòi hỏi tính chủ động, trách nhiệm của giáo viên khi tham gia giảng dạy. Qua đó, một mặt giáo viên tự khẳng định mình, một mặt phải thể hiện được uy tín của nhà trường trong công tác bồi dưỡng giáo viên.
+ Đối với giáo viên chuẩn bị duyệt giảng: Phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 126/QĐ-T52(ĐT) ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Hiệu trưởng quy định về giáo viên tập sự và quản lý, bồi dưỡng giáo viên tập sự. Trong một thời gian ngắn nhưng số giáo viên tập sự đông cho nên các đơn vị và từng giáo viên phải chú ý đến việc phân bổ thời gian hợp lý cho công tác duyệt giảng của mình. Phải chú ý từ khâu chọn bài, nghiên cứu địa bàn thực tế đến khâu tập giảng trước đơn vị, đồng nghiệp trước khi đăng ký hội đồng nhà trường. Từ giọng nói, tư thế tác phong đến nội dung bài giảng, tài liệu phục vụ tham khảo, giảng dạy… phải chuẩn bị hết sức đầy đủ, cụ thể, khoa học để đảm bảo cho việc thành công của buổi duyệt giảng.
– Công tác tuyển chọn giáo viên:
+ Tuyển chọn giáo viên ngoài ngành: do nhu cầu nhà trường nên hàng năm nhà trường đều được Bộ Công an tăng thêm nhiều chỉ tiêu, nhất là đối với giáo viên các Bộ môn Chính trị xã hội, Ngoại ngữ-tin học, Quân sự võ thuật-thể dục thể thao. Với những giáo viên này, ngoài việc thực hiện đúng các quy định về tuyển chọn giáo viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường văn hóa Công an nhân dân ban hành kèm theo Thông tư số 18/2010/TT-BCA(X11) ngày 02 tháng 6 năm 2011, theo chúng tôi cần phải chú ý đến ngoại hình, sức khỏe, kiến thức chuyên môn, năng khiếu sư phạm của người tham gia dự tuyển. Những vấn đề trên sẽ được Hội đồng nhà trường đánh giá nhưng các cơ quan tư vấn phải có quá trình chuẩn bị, tiếp xúc với người dự tuyển để tham mưu một cách chính xác. Ngoài ra, hiện nay nhà trường đang từng bước tuyển chọn các học viên tốt nghiệp các Học viện, trường Đại học Công an nhân dân về làm giáo viên bộ môn Chính trị xã hội. Những học viên này sau khi được bồi dưỡng, bổ sung một số kiến thức sẽ được tiếp tục đào tạo ở trình độ cao hơn ở trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn nhằm rút ngắn thời gian đào tạo, tăng cường chất lượng đáp ứng kịp thời công tác giảng dạy chính trị tại Nhà trường.
+ Tuyển chọn học viên tốt nghiệp các Trường Công an nhân dân: Để có thể đào tạo các chuyên ngành trong các năm tới, từ năm học 2011- 2012, nhà trường sẽ tuyển chọn học viên các chuyên ngành, trong đó chú ý đến học viên tốt nghiệp Đại học chuyên ngành: Quản lý hành chính, Cảnh sát hình sự, Cảnh sát ma túy, Cảnh sát kinh tế. Để có cơ sở lựa chọn học viên về trường, trước khi học viên tốt nghiệp, nhà trường cần chủ động liên hệ cơ sở đào tạo để nắm tình hình chất lượng, năng lực, khả năng sư phạm, năng khiếu của học viên. Muốn vây, thông qua Phòng Quản lý học viên mà trực tiếp là Chủ nhiệm lớp để có cơ sở rõ ràng khi tuyển chọn. Điều quan trọng là hạn chế lấy số học viên không có nguyện vọng ở lại trường, số học viên ở quá xa khu vực nhà trường đóng quân để mỗi giáo viên về trường thực sự yên tâm, phấn đấu, cống hiến lâu dài cho nhà trường.
Thứ ba, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) phải mang tính chọn lọc, khoa học, chính xác
Khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi xác định rằng nói đến Nhà trường là phải nhấn mạnh đến chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD. Do đó, trong từng nội dung của công tác này, chúng ta phải đánh giá một cách khách quan, công bằng, chính xác. Phải xác định rằng, người thầy được xã hội vinh danh bởi người thầy đã không ngừng phấn đấu nổ lực về nhiều mặt. Từ sự học hỏi để không bị tụt hậu về tri thức đến việc tự rèn cho mình một nhân cách, lối sống trong sạch, thanh cao. Tất cả điều này không thể “một sớm một chiều” người thầy sẽ hội tụ đầy đủ mà đó là cả một chặng đường khó khăn, gian khổ. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD là:
– Bố trí, sắp xếp giáo viên, cán bộ QLGD ở các đơn vị được tiến hành hợp lý, khoa học. Bố trí con người trên cơ sở yêu cầu của công việc và phải xác định rằng tất cả đều vì một mục tiêu chung là sự phát triển của Nhà trường. Trong từng đơn vị phải có sự kế thừa giữa các thế hệ giáo viên, cán bộ; phải có sự kết hợp giữa tính bền vững, chắc chắn của kinh nghiệm với sự năng nổ, xông xáo, sáng tạo của sức trẻ. Sự hòa quyện đó là sợi dây gắn kết, hỗ trợ cho nhau trong công tác, đan xen và đồng thời sẽ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Cho nên, trong từng giai đoạn, từng thời điểm, Nhà trường đã có sự phân công công tác của giáo viên, cán bộ QLGD một cách hợp lý, cụ thể.
– Mạnh dạn điều chuyển những giáo viên, cán bộ không đảm bảo yêu cầu đặt ra đối với vị trí công tác. Quá trình tuyển chọn giáo viên, cán bộ QLGD được sàng lọc kỹ lưỡng, chính xác theo từng quy trình cụ thể. Khi bản thân người thầy không đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội, nhà trường thì cần bố trí những công việc khác phù hợp hơn. Từ nhận thức vấn đề này, đòi hỏi mỗi giáo viên, cán bộ QLGD phải chú trọng đến từng yêu cầu của công tác mình đang đảm nhiệm, xây dựng một tác phong làm việc thật khoa học, sư phạm, để xứng đáng với sự trân trọng và tin yêu của đồng nghiệp, học viên nhà trường.
– Đánh giá khả năng, trình độ đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD một cách chính xác, khoa học trên cơ sở sản phẩm được tạo ra. Đó là chất xám của những công trình khoa học; đó là hiệu quả công tác của học viên do thầy đào tạo; đó là niềm tin, sự kính nể của đồng nghiệp… Trong khoa học, vấn đề này càng thực hiện nghiêm túc, chất lượng bao nhiêu thì đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD càng có sự thi đua, phấn đấu bấy nhiêu.
Tóm lại, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD tại trường Trung cấp Cảnh sát giao thông vừa là việc làm cấp thiết trước mắt, vừa là chiến lược lâu dài mà tầm nhìn đến năm 2020. Do đó, cần thường xuyên cập nhật, phản ánh đầy đủ thông tin, làm cơ sở để lựa chọn, bồi dưỡng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ QLGD nhà trường đáp ứng yêu cầu đào tạo theo lộ trình đã được Bộ trưởng Bộ Công an quy định. Nhưng đồng thời, đó cũng là trách nhiệm, là quyết tâm, là nổ lực của từng giáo viên, cán bộ QLGD; cùng chung sức vì sự phát triển của sự nghiệp giáo dục trong Công an nói chung và trường Trung cấp Cảnh sát giao thông nói riêng./.
Thiếu tá, Ths Bùi Nghi Lâm Trưởng Phòng Đào tạo

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *