Văn hóa ứng xử của CSGT thực trạng và giải pháp

Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng lớn, nó được thể hiện trong mọi mặt đời sống và con người, văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển của xã hội, là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, giữa con người và xã hội. Nói tới văn hóa là nói tới cái đẹp trên nhiều bình diện của cuộc sống và con người, còn nói đến văn hóa ứng xử của người Cảnh sát giao thông (CSGT) là nói đến cái đẹp trong đối nhân xử thế của người CSGT khi thực thi nhiệm vụ.
Vì vậy việc lựa chọn phương pháp ứng xử trong giao tiếp của CSGT một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông và ngược lại nếu lựa chọn phương pháp ứng xử trong giao tiếp không đúng mực, không có văn hóa sẽ gây phản ứng trong nhân dân làm mất uy tín của lực lượng CSGT. Lựa chọn phương pháp ứng xử trong giao tiếp phù hợp không chỉ giúp CSGT hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn tô đẹp hình ảnh người CSGT trong con mắt người dân, xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, lành mạnh, chính quy, tinh nhuệ, vừa hồng vừa chuyên đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn sáu mươi năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, lưc lượng Công an nhân dân nói chung và lực lượng CSGT nói riêng luôn có bản lĩnh chính tri vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu ngoan cường trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ, lập đươc nhiều chiến công xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân. Lực lượng CSGT đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm vượt mọi khó khăn, thử thách, huy động tối đa lực lượng, phương tiên, động viên cán bộ, chiến sĩ làm thêm giờ, tăng ca không quản ngại ngày, đêm, mưa gió; thường xuyên có mặt trên các địa bàn, tuyến giao thông trọng điểm, phức tạp để giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đảm bảo sự an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT rất vinh dự, tự hào có hàng trăm cán bộ chiến sĩ hy sinh được công nhận liệt sĩ, nhiều cá nhân được phong tặng danh hiệu cao quý anh hùng lực lực lượng vũ trang nhân dân. Trong cuộc sống đời thường có những hình ảnh, việc làm hết sức bình thường, giản dị nhưng đã toát lên được vẻ đẹp của người chiến sĩ CSGT trong văn hóa ứng xử như: hình ảnh người chiến sĩ CSGT giúp dân trong bão lũ, trong công tác chống đua xe, trong đấu tranh phòng chống tội phạm…
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải đối mặt với mặt trái của nền kinh tế thị trường, cái xấu đã và đang tác động đến nhận thức, lối sống, làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội bị đảo lộn, xuống cấp. Một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ CSGT thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút phẩm chất đạo đức, thoái hóa biến chất, vi phạm kỷ luật tham ô, nhận hối lộ, nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch với nhân dân, có thái độ, cử chỉ lời nói không đúng mực để người dân phê phán, gây ra phản ứng của dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.
Bản thân có thời gian công tác thực tế và thực tập cùng với cán bộ, chiến sĩ CSGT nên tôi nhận thấy khi người dân đến làm thủ tục đăng ký xe hoặc đến nộp phạt thì cán bộ làm công tác đăng ký và cán bộ xử lý thường to tiếng với họ, có những lời lẽ quát tháo khi họ thiếu thủ tục nào đó, thậm chí có thái độ hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân và thực tế đã có không ít đơn thư của quần chúng nhân dân gửi đến lãnh đạo đơn vị để phản ánh. Trong công tác tuần tra kiểm soát giao thông và điều tra giải quyết tai nạn giao thông không ít cán bộ chiến sĩ CSGT có thái độ, cử chỉ, lời nói thiếu khiếm nhã, không đúng mực, không quan tâm, chú ý khi người dân trình bày sự việc, quá trình giải quyết công việc còn cứng nhắc để nhân dân phải đi lại nhiều lần trong khi có thể linh động giải quyết sớm cho họ. Có những sự việc còn gây bức xúc trong quần chúng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với ngành Công an nói chung và Lực lượng CSGT nói riêng. Đó là những biểu hiện của một lối sống, một phong cách làm việc thiếu văn hóa, không đẹp trong con mắt của nhân dân, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chống lại lực lượng CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ thời gian qua.
Trước tình hình đó, lực lượng CSGT phải làm gì để lấy lại uy tín trước nhân dân, để nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Theo tôi chú trọng nâng cao văn hóa ứng xử cho CSGT là việc làm cần thiết. Điều đó không những góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ cho CSGT mà còn tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội đối với CSGT. Một số giải pháp góp phần nâng cao văn hóa ứng xử của lực lượng CSGT hiện nay là:
Thứ nhất, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội và Công an các địa phương cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, động viên cán bộ chiến sĩ, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra chấn chỉnh về tư thế, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc làm việc với nhân dân. Việc chấn chỉnh phải được thực hiện cụ thể bắt đầu từ ăn mặc, nói năng, đi đứng, tư thế, tác phong đến thái độ, ý thức trách nhiệm trước công việc của cán bộ chiến sĩ CSGT.
Thứ hai, Cục CSGT đường bộ – đường sắt cần phối hợp với Công an các địa phương và các trường Công an nhân dân thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn về văn hóa ứng xử và giao tiếp của lực lượng CSGT cho cán bộ, chiến sĩ CSGT. Qua đợt tập huấn sẽ giúp lực lượng CSGT lựa chọn phương pháp kỹ năng ứng xử cơ bản, phù hợp đạt được mục tiêu, yêu cầu công tác của CSGT.
Thứ ba, các trường Công an nhân dân có đào tạo chuyên ngành CSGT: Nhà trường cần phải giáo dục và hướng dẫn cho học viên chuyên ngành về văn hóa ứng xử và giao tiếp của lực lượng CSGT ở từng môn học, để khi tốt nghiệp ra trường các em sẽ có những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử và giao tiếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, cần phải xử lý nghiêm những cán bộ chiến sĩ CSGT thoái hóa biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp qua đó sẽ răn đe, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ khác và loại trừ ra khỏi lực lượng những cán bộ chiến sĩ không đủ tiêu chuẩn.
Thứ năm, lực lượng Công an nói chung và lượng CSGT nói riêng cần thực hiện tốt phong trào học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy, hưởng ứng các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quyên thân vì dân phục vụ”; “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ” và phong trào thi đua “Xây dựng phong cách người Cảnh sát giao thông vì nhân dân phục vụ” do Bộ Công an phát động. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ chiến sĩ CSGT có thêm vốn kiến thức văn hóa ứng xử, từng bước nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tụy phục vụ nhân dân.
Thứ sáu, Công an các địa phương cần luân chuyển và bố trí công tác khác đối với những cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng CSGT chưa qua đào tạo chuyên ngành CSGT.
Tóm lại, xây dựng văn hóa ứng xử của CSGT là yêu cầu và đòi hỏi bức thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng lực lượng CSGT trong sạch, vững mạnh, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đem lại cuộc sống yên bình và hạnh phúc cho nhân dân. Trải qua quá trình học tập và công tác thực tế, bản thân nêu ra một số giải pháp để góp phần xây dựng văn hóa ứng xử của CSGT. Rất mong nhận được quan tâm và chia sẻ của các đồng chí./.
Thiếu úy, GV Khoa NV CSGT đường bộ, đường sắt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *