Có một thầy giáo tuy sách vở rất ít đề cập đến, song sự nghiệp giáo dục của ông lại hết sức vẻ vang, xứng đáng giữ vị trí hàng đầu trong sự nghiệp đào tạo nhân tài cho đất nước! Đó là trường hợp thày đồ Trần Ích Phát, quê ở làng Triều Dương, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương, một nhà sư phạm tài năng giữ kỷ lục về số lượng học trò đỗ trạng nguyên, bảng nhãn, thám nguyên trong lịch sử khoa bảng nước ta.
Những kỳ tích của thày giáo họ Trần
Theo một số tư liệu ít ỏi còn lại thì tự thuở nhỏ, ông Trần đã tỏ ra rất thông tuệ. Hễ nghe nhìn thấy cái gì mới lạ dù chỉ một lần là đã nhớ nhập tâm ngay. Tuy mãi 10 tuổi mới được đến trường, nhưng đến tuổi 15 thì các sách vở thi ca, kinh nghĩa… đương thời ông đều đọc hết và nức tiếng văn chương trong thiên hạ. Vào niên hiệu Thái Hòa, triều vua Lê Nhân Tông (1443-1453), có tổ chức các khoa thi hương. Ông Trần Ích Phát dự thi và đã đỗ đầu (giải nguyên). Kế tiếp 2 khoa thi hội vào năm Mậu Thìn (1448) và năm Nhâm Thân (1452), ông Trần đi thi tiếp, song không đỗ.
Thấy con đường khoa hoạn bất trắc, không toại nguyện, ông về quê mở trường dạy học. Học trò khắp nơi, thế hệ này tiếp thế hệ khác, nghe tiếng đã tìm đến xin được thụ giáo thày Trần rất đông.Có một điều tuy sách vở xưa ít đề cập đến nhưng không khỏi làm chúng ta ngạc nhiên và bái phục, đó là riêng số học trò do thầy Trần Ích Phát đào tạo đã có tới 67 người đỗ đại khoa, từ tiến sĩ trở lên. Trong số này riêng bậc “Tam khôi” đã có 3 trạng nguyên, 4 bảng nhãn và 10 thám hoa lang, được ghi chép rõ ràng trong sách vở.
Tính ra trong lịch sử các khoa thi đình dưới chế độ phong kiến Việt Nam thì chỉ có 48 người chiếm được học vị trạng nguyên (có một số tài liệu ghi 45 người). Trong khi đó riêng thầy Trần Ích Phát đã đào tạo được 3 trạng nguyên. Đó là Vũ Kiệt, người huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh bây giờ, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Nhâm Thìn, niện hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472). Người thứ 2 là Trần Sùng Dĩnh, quê huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, đỗ trạng nguyên khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487). Và người thứ 3 là Nghiêm Viện, quê huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên khoa thi năm Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1496). Vậy là một thầy giáo trong quãng đời ngắn ngủi của mình đã đào tạo được 3 trong tổng số 48 trạng nguyên của cả nước (phải trải qua hàng trăm năm thi cử mới tuyển chọn được), thì quả là một kỳ tích!
Một điểm khá đặc biệt nữa rất hiếm thấy trong nền khoa bảng nước ta là ở 2 khoa thi đình năm Hồng Đức thứ 18 và thứ 27, tất cả bảng Tam khôi (từ thám hoa, bảng nhãn đến trạng nguyên) đều do học trò của thầy giáo họ Trần này độc chiếm!
Cụ thể, khoa thi năm Đinh Mùi, triều Lê Thánh Tông (1487), ngoài Trần Sùng Dĩnh chiếm trạng nguyên nhất bảng, thì người đứng thứ 2 là bảng nhãn Nguyễn Đức Huấn (người huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và người đứng thứ 3 là thám hoa Thân Cảnh Vân (quê ở Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh) cũng đều là học trò của thầy Trần Ích Phát. Đến khoa thi năm Bính Thìn, cũng dưới triều vua Lê Thánh Tông (1496) thì toàn bảng tam khôi cả 3 người cũng là học trò của thầy giáo họ Trần. Đó là Nghiêm Viện đỗ trạng nguyên, Nguyễn Huân (người Võ Giang, tỉnh Bắc Ninh) đỗ bảng nhãn và Đinh Lưu Kim (người Thanh Lâm, tỉnh Hải Dương) đỗ thám hoa.
Điểm rất thú vị nữa là nhiều học trò của thầy Trần Ích Phát chiếm bảng vàng khi tuổi đời rất trẻ. Chẳng hạn như Vũ Kiệt, đỗ trạng nguyên năm 21 tuổi. Trần Sùng Dĩnh đỗ trạng nguyên năm 23 tuổi. Nguyễn Huân đỗ bảng nhãn năm 21 tuổi, Đinh Lưu Kim đỗ thám hoa khi mới 18 tuổi. Thân Cảnh Vân đỗ thám hoa năm 25 tuổi…
Thầy Trần đã “luyện thi” theo phương pháp nào?
Có thể nói Trần Ích Phát đã có công đào tạo một loạt thần đồng nước ta thời bấy giờ. Ông đã phát huy được trí thông minh sáng tạo của lớp học trò trẻ tuổi, giúp họ đoạt được các học vị cao nhất nước. Tài liệu xưa đã mất mát hết, nên đến nay chúng ta không hay biết thấy giáo họ Trần đã sử dụng những phương pháp giáo dục như thế nào để có thể thành công tuyệt vời trong việc phát huy trí tuệ xuất sắc của những học trò tuổi đời còn rất trẻ, nhằm vươn lên chiếm được đỉnh cao nhất của học vấn đương thời.
Ngày nay, người ta không tìm được các bài luận văn trạng nguyên, bảng nhãn là tác phẩm của học trò thầy Trần để xem họ thể hiện tư duy sáng tạo như thế nào. Nhưng, sử sách còn ghi lại rằng khoa thi đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức (1472), với đề văn sách hỏi về việc “Đế vương trị thiên hạ” (do vua Lê Thánh Tông đích thân ra), thì trong bài đối sách của mình, Vũ Kiệt – người học trò của thầy giáo họ Trần – đã biết viện dẫn những sách vở kinh điển nổi tiếng và sử dụng kinh nghiệm tư duy sáng tạo để làm một bài nghị luận sắc sảo, lời văn bóng bảy lưu loát dài đến hơn 3 vạn chữ. Khi chấm bài, nhà vua và các khảo quan đều lấy làm hài lòng về kiến thức uyên bác của Vũ Kiệt.
Trong luận văn của mình, ông đã đề xuất với triều đình những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn các tệ nạn xã hội nhằm chấn hưng đất nước. Chẳng hạn như khi vua hỏi tại sao quan lại được chọn cử nghiêm ngặt, lại có thêm có thêm các chức quan ngự sử, giám sát theo dõi, kiểm tra mà vẫn có nhiều người tham ô, hối lộ, làm những việc đồi bại? Vũ Kiệt đã lập luận như sau: “Việc giáo dục phẩm chất cho quan lại phải tiến hành ngay từ lúc họ ngồi trên ghế nhà trường. Nếu khi học, họ đã có tư tưởng dối trá, mẹo mực, thì khi ra đảm nhiệm việc quan làm sao có thể có được phẩm chất thanh liêm, trong sạch”.
Hoặc Vũ Kiệt đã đề xuất muốn giữ kỷ cương phép nước thì trước tiên phải thực hiện thật nghiêm túc từ vua cho đến triều đình. Bởi lẽ không thể để nước đầu nguồn đục mà lại đòi hỏi nước cuối nguồn phải trong!
Qua vài tài liệu ít ỏi còn lại, chúng ta có thể hình dung được phần nào phương pháp dạy học của thầy giáo họ Trần là luôn đòi hỏi học trò phải biết rèn luyện tư cách, phẩm chất bản thân, luôn làm quen việc vận dụng kiến thức sách vở đã học một cách sáng tạo và kinh nghiệm thực tế để giải quyết những vấn đề mà tình huống đặt ra.
Các đề thi đình thời kỳ này nhà vua thường nêu ra những vấn đề liên quan đến việc cai trị đất nước, ví như đề thi năm Nhâm Thìn (1472) là “Đế vương trị thiên hạ”, đề thi năm Đinh Mùi (1487) là “Đạo trị nước”, đề thi năm Giáp Thìn (1484) là ” Triều Tống dùng nho sĩ”…Xem thế thì biết vua Lê Thánh Tông rất trăn trở muốn các sĩ tử đem tài năng trí tuệ của mình hiến kế làm sao để khắc phục được những tệ nạn, đưa đất nước trở nên hưng thịnh.
Việc học trò của thầy Trần Ích Phát có những luận văn xuất sắc để xuất các kiến giải độc đáo, giành được những thứ bậc cao nhất trong bảng Tam khôi, chứng tỏ thầy giáo họ Trần đã vận dụng thành công phương pháp dạy học kích thích tính tích cực tối đa trong học tập, mà nhà giáo dục lớn của phương Đông cổ đại là Khổng Tử từng đề xuất: “Vật có 4 góc cho biết một góc phải suy ra ba góc kia. Nếu cứ hỏi làm thế nào, thế nào thì không dạy nữa!”
Rất tiếc là đến nay chưa tra cứu được các vị tiến sĩ, học trò của thầy Trần Ích Phát đã có những cống hiến như thế nào cho đất nước. Nhưng qua hơn chục vị trong bảng Tam khôi đã được sách xưa ghi chép, chúng ta cũng thấy được nhiều người trong số họ thực sự có tài và đã có những cống hiến nhất định. Một số đã đảm đương các chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước đương thời, là những cánh tay đắc lực góp phần giúp nhà vua chấn hưng và đưa nước nhà đến giai đoạn cực thịnh. Chẳng hạn như trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, các bảng nhãn Nguyễn Huân, Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lê Ninh đỗ khoa thi đình năm Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (1478)… đều giữ chức vụ Thượng thư. Một số là những nhà ngoại giao xuất sắc được cử làm chánh phó sứ sang giao hảo với nước láng giềng Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách hòa bình, giữ vững toàn diện lãnh thổ và để nhân dân được yên ốn làm ăn xây dựng đất nước. Nhiều người đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc và được triều đình đánh giá cao như bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh, đỗ khoa đình năm Quý Mùi niên hiệu Quang Thận thứ 4 (1463), thám hoa Lê Ninh, thám hoa Vương Khắc Thuật, đỗ thủ khoa thi đình năm Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472)…
Người thầy khiến nhà vua cũng nể trọng
Đặc biệt trong số 28 ngôi sao (Nhị thập bát tú) của hội Tao Đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm chủ súy, gồm những vị đại khoa tài giỏi văn chương, cũng có mặt một số học trò của thầy Trần Ích Phát, như trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, thám hoa Nguyễn Đức Huấn, thám hoa Lưu Ngạn Thu (có sách chép là Lưu Thu Ngạn) đỗ khoa thi đình năm Canh Tuất, niên hiệu Hồng Đức thứ 21 (1490)…Một số học trò của thầy giáo họ Trần còn để lại các tác phẩm văn học được ghi trong sách “Toàn việt thi lục” như các bài thơ của trạng nguyên Trần Sùng Dĩnh, bảng nhãn Lưu Đức Huấn, hoàng giáp Trần Hoành.
Học trò nhiều thế hệ ở khắp nơi và đã lũ lượt tìm đến Chí Linh, Hải Dương để được theo học thày Trần Ích Phát. Ngoài số đông ở tại địa phương còn có những học trò từ nơi khác như trạng nguyên Vũ Kiệt, Nghiêm Viện (Bắc Ninh) thám hoa Lê Ninh (Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú) thám hoa Trần Bích Hoàng (Vụ Bản, Nam Hà), thám hoa Nguyễn Doãn Địch (Thanh Oan, Hà Tây), thám hoa Lưu Ngạn Thư (Vĩnh Bảo, Hải Phòng)…
Sách vở xưa cho biết thêm, từ thời còn là hoàng tử, Lê Thánh Tông đã từng biết tiếng Trần Ích Phát và đem lòng quý trọng. Đến khi Lê Thánh Tông lên ngôi vua (1460) tuy Trần Ích Phát chỉ đỗ hương tiến, không ra làm quan, mà chỉ dạy học ở quê, song qua mấy khoa thi hội, thi đình, thấy học trò của ông chiếm hầu hết các bậc Tam khôi, vua Lê Thánh Tông càng thêm quan tâm, trọng vọng. Nhà vua đặc cách xem ông ngang với các bậc đỗ đại khoa và phong cho nhiều chức tước cao, từ Giám sát ngự sử, Hiến sát sử, cho đến Đông các đại học sĩ…
Thầy Trần Ích Phát thọ đến 100 tuổi.