Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào người thầy giáo cũng được kính trọng, luôn được tôn quý, vị nể. Lúc sinh thời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý bậc nhất trong nghề cao quý. Nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo, vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Trước sự tôn vinh và tin tưởng đó, với truyền thống của nghề giáo, chúng ta thật hạnh phúc là những người thầy của thế hệ hôm nay. Từ trong tiềm thức, mỗi chúng ta luôn cảm nhận sâu sắc rằng, danh hiệu người thầy thật là cao quý, nhưng nhiệm vụ của người thầy thì hết sức nặng nề.
Đất nước đang trong thời kỳ hội nhập, tạo ra cơ hội phát triển mới, nhưng bên cạnh đó, xã hội nảy sinh không ít vấn đề phức tạp cần giải quyết, như tham nhũng, nhận hối lộ, tư lợi cá nhân … đã làm suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống đối với không ít cán bộ, đảng viên. Những vấn đề này ngày càng tác động trực tiếp đến nhân cách, phẩm chất của mỗi người thầy, trong đó có người thầy Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông (CSGT). Là những người làm công tác giảng dạy trong trường CSGT, nơi đào tạo bao thế hệ học viên có đủ tri thức và trách nhiệm góp phần phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm và các tệ nạn xã hội. Để đào tạo một lớp người hoàn thiện cả đức và tài, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ khó khăn phức tạp đó, người thầy không chỉ truyền thụ tri thức, mà phải truyền cho học viên đạo đức, phẩm chất của người Công an, để không ngừng phấn đấu rèn luyện trở thành người chiến sĩ CAND vừa hồng vừa chuyên. Chính vì lẽ đó, bản thân mỗi giáo viên chúng tôi luôn tự nhủ hãy xứng đáng là người thầy mẫu mực không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống để mỗi học viên noi theo. Trong điều kiện hiện nay, để thực hiện trọng trách đó, đối với mỗi người giáo viên Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông chúng ta phải:
Trước hết, phải có tâm yêu nghề. Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý! nếu không có tâm yêu nghề hoặc vì lý do khác mà phải làm nghề giáo thì có lẽ không cảm nhận được vẻ đẹp của nghề, không có niềm đam mê với nghiệp của mình. Tâm yêu nghề thể hiện ngay trong bài giảng của mình, trong từng trang giáo án, mà người thầy hàng ngày không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn bổ sung kiến thức, bằng lòng với hiện tại cũng có nghĩa là tụt hậu, chậm tiến. Với mỗi giáo viên, việc học là chiếc thang không có bậc cuối cùng. Nắm vững trình độ chuyên môn không ngừng cải tiến phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất trong mỗi bài giảng là nhiệm vụ thường ngày mà chúng tôi quan tâm. Trong giai đoạn hiện nay, chữ “tâm” lại càng được đề cao, bởi khi đồng lương thu nhập còn ít ỏi thì những điều cám dỗ đến với Thầy, nếu không có tâm vững chắc, có lẽ người Thầy đó sẽ tự đánh mất danh của mình.
Thứ hai, phải thực sự chuẩn mực. Người giáo viên trong các trường Công an, cùng với việc rèn luyện lối sống của nhà giáo trong môi trường sư phạm, chúng tôi còn là một chiến sĩ CAND, sống và làm việc trong môi trường của người giảng dạy và tuyên truyền pháp luật. Vì vậy, ngoài sự chuẩn mực về sư phạm chúng tôi phải tuyệt đối gương mẫu trong việc chấp hành đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND, 11 điều cấm cán bộ chiến sĩ CAND không được làm. Không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà chúng tôi còn là những tấm gương về nhân cách, đạo đức và lối sống cho học viên noi theo.
Thứ ba, biết gần gũi, quan tâm, hướng dẫn, uốn nắn giúp học viên hoàn thiện về trí thức cũng như phẩm chất đạo đức. “Người giáo viên bình thường mang chân lý đến cho trò, người giáo viên giỏi biết đưa trò đi tìm chân lý”. Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi phải luôn là người hướng dẫn nhiệt tình để học viên phát huy khả năng nghiên cứu và sáng tạo, đúng chức năng là người “biết đưa trò đi tìm chân lý”. Công việc của người sĩ quan Cảnh sát nhân dân là công việc đầy khó khăn, gian khổ và hiểm nguy. Xác định lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, giáo dục ý thức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm, xác định động cơ học tập đúng đắn cho học viên ngay từ buổi học đầu tiên, những môn học đầu tiên là đặc biệt quan trọng. Trung thành với sự nghiệp của Đảng, nắm vững kiến thức pháp luật, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về tin học và ngoại ngữ là mục tiêu mà những người làm công tác giảng dạy phải giúp học viên đạt được từ khi còn đang được đào tạo trong trường. Vì vậy mà công việc của những nhà giáo thực sự là một nghề lao động trí óc nặng nhọc. Đó là sự căng thẳng về trí tuệ để tạo ra những bài giảng vừa mang chất xám của lý thuyết, vừa sinh động và thuyết phục bằng những vụ việc diễn ra trong thực tế hàng ngày; Các bài giảng luôn được cập nhật kiến thức thực tế, kiến thức mới. Bên cạnh sự căng thẳng về trí tuệ, chúng tôi còn rất nặng về tâm lý, tình cảm. “Dạy học, theo nghĩa chân chính của nó, không chỉ dạy người nói chung mà là dạy từng con người cụ thể”. Mà mỗi con người đều có đặc điểm riêng về tư chất, về tâm lý, đạo đức và hoàn cảnh xuất thân. Qua công tác giảng dạy, ai trong chúng tôi cũng cảm nhận rất rõ rằng lòng say mê nghề nghiệp không chỉ thể hiện trong từng bài giảng mà tâm trí người thầy luôn bị cuốn hút vào công việc, ngay cả trong giấc ngủ và cả lúc nghỉ ngơi. Lao động trí óc chuyên nghiệp của các nhà giáo diễn ra theo quy luật quán tính của tư duy. Để có một bài giảng hay ngày mai lên lớp, người thầy phải quên cả giấc ngủ ngon. Niềm vui của chúng tôi chính là thành tích, là chiến công của các thế hệ học viên mà chúng tôi đào tạo.
Với những trọng trách lớn lao như vậy, trong mỗi người giáo viên Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông luôn luôn ý thưc nỗ lực phấn đâu xứng danh với danh hiệu “nhà giáo”, không bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế thị trường, xứng đáng với sự kỳ vọng của xã hội, của bao thế hệ học trò, của Đảng ủy, của Ban giám hiệu trường trung cấp Cảnh sát giao thông.
Đối với tôi là một giáo viên trẻ mới về nhận công tác ở Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông, ngôi Trường Cảnh sát đầu tiên ở khu vực Miền Trung – Tây nguyên. Tôi luôn xác định và phát huy truyền thống của một nhà giáo, còn phải phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng, khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giáo, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với danh hiệu người giáo viên Công an nhân dân “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Tô Hoài – Giáo viên Bộ môn pháp luật