Trường trung Cấp cảnh sát giao thông bước đầu xây dựng, phát triển và từng bước khăng định


Trường trung Cấp cảnh sát giao thông bước đầu xây dựng, phát triển và từng bước khăng định

12
Đồng chí Đại tá, ThS Cao Đăng Nuôi Hiệu trưởng phát biểu trong buổi Lễ công bố Quyết định bổ nhiệm Lãnh đạo Nhà trường.
Để đáp ứng nhu cầu đào tạo trình độ Trung cấp cảnh sát trong lực lượng Công an nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ Cảnh sát giao thông, ngày 09/8/2010, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định số 3177/QĐ-BCA về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông.
 Đây là cột mốc thời gian có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu sự ra đời của một Trường Trung cấp trong hệ thống giáo dục đào tạo của lực lượng CAND. Quyết định chỉ rõ: Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông có trách nhiệm đào tạo cán bộ có trình độ trung cấp Cảnh sát giao thông cho Công an các địa phương theo quy định với quy mô đào tạo là 3.000 học viên.
Quá trình xây dựng của Nhà trường được ghi dấu ấn vào ngày 12/01/2011 khi Tổng cục XDLL CAND tổ chức công bố quyết định thành lập và công bố Quyết định bổ nhiệm Ban Giám hiệu Nhà trường. Tiếp đó, tháng 6/2011, Trường tiếp nhận 27 sinh viên tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân đân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Đặc biệt, ngày 16/9/2011, Nhà trường đã làm lễ công bố Quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL CAND về việc điều động và bổ nhiệm 16 đồng chí là lãnh đạo cấp Phòng, điều động 39 cán bộ chiến sỹ từ các địa phương, các Trường Công an nhân dân đến nhận công tác tại trường. Đây có thể đánh giá là đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đã từng qua thực tiễn công tác nhà trường nên có thể nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện các nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Nhà trường.
Tổ chức Đảng trong nhà trường cũng từng bước được kiện toàn. Từ một Chi bộ cơ sở với 09 đảng viên được thành lập vào ngày 04/3/2011, đến ngày 20/10/2011, Nhà trường đã tổ chức lễ công bố Quyết định số 241QĐ/ĐU(X12) ngày 03/10/2011 của Đảng ủy Tổng cục XDLL CAND về việc thành lập Đảng bộ cơ sở và Chỉ định Đảng ủy, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Trường TC.CSGT. Như vậy, chỉ hơn 08 tháng sau ngày công bố Quyết định thành lập, bộ máy tổ chức và nhân sự của Trường TC.CSGT đã từng bước được kiện toàn cả về số lượng lẫn chất lượng. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Nhà trường đã ký Quyết định thành lập các tổ chức đoàn thể: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Một guồng máy đã thực sự chuyển mình từ chính sự chung sức, chung lòng của tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường. Từ con số 09 cán bộ tại ngày công bố quyết định thành lập, đến nay con số ấy là 109 cán bộ, chiến sỹ, công nhân viên, đã thể hiện một sự cố gắng, năng động, nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo Nhà trường với tinh thần tự liên hệ, tự tìm hiểu chứ không ngồi thụ động chờ đợi. Đó chính là một quan điểm mới trong công tác cán bộ mà Nhà trường đã mạnh dạn thực hiện. Đánh giá đúng hiện tại nhằm dự báo chính xác tương lai để có những hướng đi phù hợp, kịp thời là điều mà Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường luôn quan tâm, trăn trở. Nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Nhà trường trong những năm tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đòi hỏi người lãnh đạo phải biết cân nhắc, tính toán và có tính khoa học, kế hoạch trong tất cả các hoạt động. Xuất phát từ suy nghĩ trên, theo tôi, quá trình xây dựng nhà trường hiện nay và định hướng các năm tiếp theo cần làm tốt một số vấn đề sau:
Một là, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhà trường
Hiện nay toàn trường có 01 nghiên cứu sinh, 15 thạc sỹ, 05 đang học cao học trong tổng số 97 cán bộ, giáo viên; về chức danh có 02 huấn luyện viên cao cấp VTQS, 01 giáo viên cao cấp trung cấp chuyên nghiệp; 09 giáo viên chính trung cấp chuyên nghiệp, 15 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt 100% trình độ đại học (trừ số giáo viên thực hành). Những con số trên khẳng định bước đầu chất lượng của đội ngũ cán bộ Nhà trường đảm bảo yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển chung của giáo dục, nhất là nâng cao trình độ cán bộ, giáo viên các trường Công an nhân dân, ngày 13/9/2011 Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Chương trình số 10/CTr-BCA-X11 xác định: “phấn đấu đến năm 2015, 30% giáo viên các trường trung cấp có trình độ thạc sỹ”; Quyết định 1229/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: “có 30% giáo viên các trường trung cấp, 40% cán bộ quản lý các trường cao đẳng, trung cấp đạt trình độ thạc sỹ”. Điều này đòi hỏi Nhà trường cần xây dựng một lộ trình học tập nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên từ nay đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.
Bên cạnh đó, theo Quyết định số 4291/QĐ-BCA ngày 12/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt lộ trình tuyển sinh của Nhà trường là: năm học 2012-2013 tuyển sinh 02 chuyên ngành: Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt và Cảnh sát giao thông đường thủy với 300 học viên; năm học 2013-2014 đến năm 2015-2016, Nhà trường sẽ đào tạo thêm các chuyên ngành: Trinh sát phòng chống tội phạm hình sự, Trinh sát phòng chống tội phạm về ma túy, Trinh sát phòng chống tội phạm kinh tế, Cảnh sát khu vực đáp ứng nhu cầu của Công an các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên; năm học 2015-2016, trường sẽ mang tên: Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V; đến năm học 2016-2017 sẽ tuyển sinh đầy đủ 09 chuyên ngành của lực lượng Cảnh sát nhân dân. Như vậy, từng bước đi trong quá trình đào tạo của Nhà trường đã được xác định một cách rõ ràng. Vấn đề hiện nay là xây dựng một nguồn lực cán bộ, giáo viên để có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo trong những năm tiếp theo khi có những chuyên ngành mới. Để thực hiện tốt yêu cầu trên, Nhà trường đã phải chủ động thực hiện:
– Bố trí đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các đơn vị một cách hợp lý. Tạo nguồn cán bộ phải có tính kế thừa, có sự kết hợp hài hòa giữa cán bộ nhiều kinh nghiệm và cán bộ trẻ. Đồng thời, từng đơn vị phải chú ý đến việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận. Nhà trường cũng đã từng bước định hình đội ngũ cán bộ để đến năm học 2013-2014, khi đào tạo thêm các chuyên ngành mới sẽ đảm bảo bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ và lãnh đạo.
– Xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ từng năm học và định hướng đến năm 2015. Việc xác định nhà trường đang cần đội ngũ cán bộ ở trình độ nào, ở lĩnh vực nào luôn được Đảng ủy, Ban Giám hiệu quan tâm, theo dõi. Từ đó, có kế hoạch phân công cụ thể cho từng cá nhân, đơn vị. Trước mắt, chú ý đến việc học tập ở trình độ Sau đại học đối với cán bộ quản lý, giáo viên Nhà trường. Học để nâng cao năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu đào tạo của nhà trường, học để hoàn thiện chức danh, học để khẳng định chính mình. Điều đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, giáo viên phải chủ động, tích cực trong vấn đề này.
– Công tác tuyển chọn giáo viên về trường công tác cũng được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời. Một số đơn vị như Bộ môn Chính trị xã hội, Bộ môn Ngoại ngữ-tin học, Bộ môn Quân sự võ thuật – thể dục thể thao hiện nay số giáo viên là ít so với nhu cầu thực tế. Trên cơ sở chỉ tiêu được giao, Nhà trường tuyển chọn đội ngũ này một cách thận trọng, khách quan, đúng quy định. Mỗi cán bộ về trường phải có tâm huyết với nghề, với Trường; phải có năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Nhà trường xác định, công tác tuyển chọn càng kỹ bao nhiêu thì chất lượng đạt được càng cao bấy nhiêu. Do đó, từng bộ phận, từng đơn vị tham mưu phải phát huy trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Hai là, thực hiện tốt công tác tổ chức, xây dựng lực lượng
Nghị quyết số 01/NQ-ĐU(T52) ngày 20/10/2011 của Đảng ủy về Phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã xác định yêu cầu trong công tác tổ chức cán bộ: “Rà soát, đề xuất lập mới một số Khoa, Phòng, Bộ môn phù hợp với nhiệm vụ và lộ trình tuyển sinh của nhà trường đã được Bộ giao;.. bố trí sắp xếp cán bộ khi thành lập các đơn vị mới; đề xuất biên chế cán bộ, giáo viên, công nhân viên theo quy mô 2000 học viên vào năm 2015 và 3000 học viên sau năm 2015;…Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, đến năm 2015 đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng…” Điều này nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác cán bộ trong sự phát triển chung của Nhà trường.
Như trên đã đề cập, sau gần một năm kể từ ngày công bố quyết định thành lập, đến nay đội ngũ cán bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường là 109 đồng chí với 13 đầu mối trực thuộc và 02 tổ chức đoàn thể: Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Để có được một bộ máy ổn định như vậy là cả một quá trình năng động của lãnh đạo Nhà trường. Phải xác định rằng: cán bộ là nguồn gốc của mọi vấn đề, cán bộ có tốt thì nhà trường mới phát triển. Chính vì điều này, Nhà trường đã tập trung tuyển chọn cán bộ một cách quyết liệt, thể hiện:
– Đã liên hệ với các trường Công an nhân dân để tìm hiểu về nhu cầu của cán bộ có nguyện vọng về Trường công tác. Chính điều này đã tạo nên sự đa dạng của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường, đó là số cán bộ, giáo viên đến từ Học viện Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân II, Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân III, Trường Trung cấp An ninh nhân dân II.
– Đã liên hệ với Công an địa phương các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên để tìm hiểu, đặt vấn đề về việc tuyển cán bộ có nguyện vọng về trường công tác. Đây là những cán bộ đã qua thực tiễn, có nhiều kinh nghiệm thực tế, phục vụ tích cực cho công tác tham mưu của Nhà trường trên lĩnh vực được phân công.
Xuất phát từ những vấn đề trên, đội ngũ cán bộ, giáo viên về trường đã yên tâm công tác, phát huy sức trẻ nhiệt huyết vào quá trình xây dựng Nhà trường. Trong công tác cán bộ, Nhà trường đã chú ý đến công tác bổ nhiệm cán bộ, nhất là số cán bộ trẻ có năng lực về Trường. Vì vậy, đa số cán bộ được bổ nhiệm giữ chức vụ Lãnh đạo ở các đơn vị giáo dục đều có trình độ Thạc sỹ, giáo viên Chính trung học chuyên nghiệp. Đây là nguồn cán bộ hết sức cần thiết để xây dựng Nhà trường phát triển trong những năm tiếp theo.
Công tác cán bộ còn thể hiện ở việc Nhà trường luôn quan tâm chăm lo đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm túc công tác quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ; công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm được chú ý và thực hiện theo đúng quy định. Đảm bảo quyền lợi, chế độ chính sách ở mức cao nhất cho cán bộ, chiến sỹ trong điều kiện nhà trường còn nhiều khó khăn là những trăn trở, suy nghĩ của lãnh đạo Nhà trường. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng; chế độ khuyến khích, động viên cán bộ tích cực học tập nâng cao trình độ là hướng đi đúng nhằm tạo ra một môi trường công tác thuận lợi, công bằng để cán bộ yên tâm phấn đấu, cống hiến. Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tổ chức nhiều phong trào thi đua phong phú về hình thức, có nội dung thiết thực, chất lượng.
Ba là, chú trọng đúng mức công tác Hậu cần đảm bảo
Trong những ngày này, khi lãnh đạo Bộ Công an ký quyết định chính thức bàn giao chủ dự án xây dựng Trường cho Nhà trường, đó là một niềm vui nhưng đồng thời cũng là một nỗi băn khoăn, trăn trở đối với lãnh đạo Nhà trường. Từ đây, Nhà trường thực sự bắt tay vào “mặt trận” công tác mới: vừa tập trung xây dựng chương trình đào tạo phục vụ tuyển sinh vào năm 2012-2013; vừa lo tiến hành xin cấp vốn để đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo nơi ăn, ở, làm việc, học tập cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và học viên Nhà trường. Ngoài ra, Nhà trường còn đang triển khai từng bước để tiến hành đầu tư xây dựng 02 dự án: Trung tâm thực hành nghiệp vụ Cảnh sát giao thông đường thủy và đào tạo, sát hạch lái phương tiện thủy và Trung tâm dạy nghề, đào tạo và sát hạch lái xe. Công việc đầu tư, xây dựng Nhà trường còn gặp nhiều khó khăn nhưng dưới sự đoàn kết, năng động, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo và các đơn vị chức năng, một sự khởi sắc đang bắt đầu và hứa hẹn những thành công.
Để đảm bảo một môi trường giáo dục phát triển, lãnh đạo Nhà trường xác định từng nội dung công tác phải có kế hoạch cụ thể, có sự phối hợp nhịp nhàng và phân công trách nhiệm. Chính vì lý do trên, ngày 01/11/2011, Nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 456/KH-T52-HCTH về việc triển khai xây dựng “Đề án xây dựng và phát triển nhà trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020” với nhiều đề án thành phần. Mỗi đề án là một mắc xích trong bánh xe vận hành của Nhà trường. Những mắc xích ấy liên kết với nhau, hoạt động đồng bộ, nhịp nhàng và được đầu tư một cách đúng mức, hiệu quả. Nhà trường thường xuyên tổ chức kiểm tra để đôn đốc, nhắc nhở và duy trì hoạt động của các bộ phận, các đơn vị chức năng trong toàn trường. Ngoài ra, Nhà trường còn chú ý tổ chức tốt các bếp ăn tập thể, mua hàng tận gốc; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ nhằm góp phần nâng cao đời sống cán bộ, chiến sỹ, học viên.
Bốn là, một số kiến nghị, đề xuất

Trước sự phát triển của Nhà trường, từng đồng chí Lãnh đạo Nhà trường luôn nhận thức trách nhiệm trước Bộ Công an, trước Tổng cục XDLL CAND, trước cán bộ, giáo viên nhà trường là hết sức nặng nề. Trách nhiệm ấy luôn gắn liền với sự đoàn kết, giúp đỡ, phối hợp của Lãnh đạo các cấp và chính quyền địa phương; sự đồng lòng, chung sức của tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu và tập thể cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường. Từ suy nghĩ trên, bản thân mạnh dạn nêu lên một số đề xuất sau:
– Lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND đã quan tâm và cần quan tâm hơn nữa đến Nhà trường. Sự quan tâm ấy, ngoài việc chỉ đạo Nhà trường về hướng phát triển, còn là sự hỗ trợ, cung cấp các nguồn vốn để Nhà trường nhanh chóng bắt tay vào xây dựng; là sự đầu tư, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác dạy và học của Nhà trường. Khi có một cơ sở làm việc đáp ứng nhu cầu đào tạo, đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường sẽ yên tâm, phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của toàn Ngành Công an nói chung và nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung, Tây Nguyên nói riêng.
– Thường xuyên quan tâm đến việc bổ sung cán bộ cho Nhà trường. Hiện nay, trước yêu cầu của việc tuyển sinh vào năm học 2012-2013, đội ngũ giáo viên của Nhà trường, trong đó có một số môn như Chính trị xã hội, Quân sự, võ thuật-thể dục thể thao; Tin học-ngoại ngữ đang thiếu. Vì thế, lãnh đạo các cấp cần quan tâm, xét duyệt khẩn trương biên chế để Nhà trường tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, hàng năm, lãnh đạo các cấp cũng quan tâm bổ sung cho Nhà trường nguồn cán bộ tốt nghiệp các Học viện, Trường Công an nhân dân để tăng cường vào đội ngũ giáo viên, cán bộ Nhà trường.
– Các Trường Công an nhân dân trong điều kiện khả năng của mình, giúp đỡ hỗ trợ Nhà trường về việc bồi dưỡng cán bộ, giáo viên; tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ cán bộ, giáo viên Nhà trường học tập, nâng cao trình độ. Vì ra đời muộn nên Nhà trường rất cần sự đóng góp chân thành của đồng nghiệp, sự giúp đỡ chân tình, thiết thực để Nhà trường không ngừng trưởng thành và phát triển.
– Sự phối hợp, giúp đỡ của Chính quyền địa phương nơi trường đóng quân; sự giúp đỡ về nghiệp vụ của Công an các địa phương, nhất là trong địa bàn tuyển sinh của Nhà trường. Điều đó thể hiện ở việc tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ, giáo viên Nhà trường tham gia nghiên cứu thực tế, tiếp cận và xử lý các tình huống thực tiễn phục vụ cho công tác giảng dạy. Ngoài ra, đó là sự hỗ trợ về mặt nghiệp vụ, là sự phối kết hợp trong công tác báo cáo thực tế để học viên Nhà trường bước đầu làm quen với môi trường đầy sinh động của thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.
Chúng tôi thiết nghĩ rằng, những thành công bước đầu trên con đường xây dựng và trưởng thành là niềm tin vững chắc để đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên Trường Trung cấp Cảnh sát giao thông phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục XDLL CAND tin tưởng, giao phó. Bước sang thềm năm mới, thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, lời biết ơn sâu sắc của cán bộ, giáo viên, công nhân viên Nhà trường đối với các cấp Lãnh đạo; đồng thời cũng xin hứa sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa trên các mặt công tác để đảm bảo thực hiện tốt yêu cầu tuyển sinh vào năm học 2012-2013 mà lãnh đạo Bộ giao.
                                                                                                                                                                                                     C.Đ.N
 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *