Phòng Quản lý Nhà ăn thực hiện nghiêm túc công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và an toàn vệ sinh lao động trong công tác chuyên môn đơn vị
Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là vấn đề đang báo động được toàn xã hội quan tâm, vì nó có tác động trực tiếp thường xuyên đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội về lâu dài còn ảnh hưởng đến phát triển nòi giống dân tộc. Hiện nay trong các công ty, cơ quan, trường học mà đặc biệt là ở trong các trường học có lượng cán bộ, học sinh ăn tại các bếp ăn tập thể lớn như Trường Trung cấp CSND V thì vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động luôn là vấn đề được quan tâm nhất.
Phòng QLNA với công tác chuyên môn được Đảng ủy – BGH Nhà trường giao là phục vụ tốt các bếp ăn tập thể, các dịch vụ đời sống trong Nhà trường. Với trách nhiệm to lớn đó, lãnh đạo đơn vị cùng toàn thể cán bộ, nhân viên Phòng QLNA luôn nổ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt chuyên môn của mình, đơn vị đã làm tốt mọi mặt công tác, trong đó công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động trong khi làm việc là vấn đề được đơn vị ưu tiên hàng đầu.
Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường nói chung và của đơn vị nói riêng, đặc biệt căn cứ vào nội dung thông tư 15 /2012/TT-BYT ngày 12/9/2012 của Bộ y tế quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, căn cứ vào công văn số 415/H50-P2 ngày 29/03/2018 của Cục Y tế, Tổng cục Hậu cần – Kỷ thuật Bộ Công an về việc triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2018. Căn cứ vào kế hoạch số 211/KH-T52(HC) ngày 12 tháng 04 năm 2018 của Trường Trung cấp CSND V về triển khai thực hiện tháng hành dộng vì an toàn thực phẩm năm 2018 đơn vị đã tham mưu có hiệu quả cho BGH về công tác tổ chức thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong công tác phục vụ bếp ăn.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc thực hiện tốt các quy định về vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, vệ sinh người chế biến thực phẩm, đảm bảo vệ sinh trong chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm và phụ gia thực phẩm, góp phần phòng ngừa nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và tuyệt đối không để ngộ độc thực phẩm xảy ra trong phạm vi nhà trường, trên cơ sở đó tăng cường công tác kiểm tra từ khâu nhập lương thực, thực phẩm đến các khâu chế biến, nấu nướng và bảo quản thức ăn. Qua công tác kiểm tra nếu phát hiện những sai sót trong các khâu trên đều được nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm. Việc làm này được thực hiện thường xuyên liên tục trong cả quá trình.
Mỗi khâu, mỗi công đoạn là một quy trình nghiêm ngặt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo tính an toàn cao trong quá trình thực hiện. Các phương tiện, dụng cụ trong bếp ăn được sử dụng một cách hợp lý theo phương thức dây chuyền, một chiều, cụ thể: Thực phẩm khi mua về được đưa vào khu sơ chế riêng biệt, được làm sạch sẽ và khử trùng qua máy khử Ô-zôn sau đó đưa vào khu vực chế biến, nấu nướng, khi thức ăn đã chín đưa đến khu vực chia thức ăn theo khẩu phần, chia xong cho vào tủ (theo từng lớp) có cửa kính che chắn gió, bụi và côn trùng đồng thời giữ ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè. Khi chế biến thức ăn đã kiểm tra về chất lượng, đồng thời cân, đong, đo đếm đúng số lượng nhằm đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định lượng. Giữ gìn vệ sinh phương tiện, dụng cụ, khuôn viên trong và ngoài bếp ăn, nhà ăn luôn gọn gàng, sạch sẽ thoáng mát.
Công việc của các khâu đảm bảo không chồng chéo lên nhau, không bị gián đoạn. Trong khu vực làm việc chỉ dành riêng cho nhân viên có trách nhiệm sơ chế, nấu nướng và vệ sinh, tuyệt đối không cho phép người ngoài đi qua lại. Thức ăn sống và thức ăn chín được để riêng biệt, các dụng cụ dùng cho việc phân chia thức ăn sống, thức ăn chín cũng riêng rẽ. Điều này đảm bảo an toàn tuyệt đối về vệ sinh, về chất lượng thực phẩm cho tới khi chia ra khay.
Thực phẩm được mua tận gốc, đảm bảo tươi sống, khi chế biến thức ăn đã kiểm tra về chất lượng, đồng thời cân, đong, đo đếm đúng số lượng nhằm đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định lượng. Trong quá trình chế biến thức ăn không sử dụng các loại hóa chất, chất phụ gia thực phẩm. Thực hiện đúng các quy định của Chính phủ và Bộ Y tế. Đơn vị lựa chọn những cơ sở cung cấp thực phẩm có uy tín, có địa chỉ rõ ràng và ký hợp đồng cam kết trách nhiệm, có hợp đồng mua thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, các hộ kinh doanh.
Đồ dùng trong bếp ăn tập thể được trang bị đồng bộ hóa, hiện đại hóa, bao gồm các hệ thống máy sục ô-zôn, tủ đựng dao thớt an toàn, hệ thống bếp gas công nghiệp, tủ hấp đa năng, tủ sấy khay công nghiệp, tủ bảo quản xoong nồi, xe đẩy thức ăn công nghiệp, xe đựng khay công nghiệp,…
Thực đơn thực phẩm được lên lịch theo tuần, theo mùa. Thường xuyên cải thiện, thay đổi các món ăn hàng ngày, không trùng lặp nhiều lần trong một tuần để tránh sự nhàm chán và tăng khẩu vị trong các bữa ăn cho cho CBCS và học viên.
Hằng ngày, thực phẩm được tiếp nhận dưới sự giám sát chặt chẽ của thủ kho và kế toán chi ăn, đồng thời công khai thực đơn trong ngày trên bảng công khai tài chính để cán bộ, học viên thuận tiện theo dõi.
Khu vực bếp ăn luôn được vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, thoáng mát. Dụng cụ chứa rác thải hàng ngày được di chuyển đến nơi tập kết, thực hiện đúng quy định về vệ sinh môi trường. Hằng ngày có tổ bệnh xá của Nhà trường tới lấy mẫu thức ăn lưu trữ theo quy định.
Tại bếp ăn tập thể được gắn bảng nội dung “10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm an toàn” và bảng nội quy nhà ăn để cán bộ, học viên và nhân viên phục vụ chấp hành nghiêm túc.
Bên cạnh đó, đơn vị còn tăng gia trồng thêm rau sạch, chăn nuôi gia cầm, thả nuôi cá ở hồ điều tiết của Nhà trường, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, vừa chủ động nguồn thực phẩm an toàn.
Tại các dịch vụ đời sống của Nhà trường, đặc biệt là dịch vụ ăn uống giải khát luôn được đơn vị chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chất lượng các mặt hàng thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng luôn được đơn vị kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt.
Chất lượng nguồn nước phục vụ bếp ăn hiện tại đang sử dụng nguồn nước sạch do công ty cấp thoát nước huyện Thăng Bình cung cấp. Chất lượng nguồn nước sinh hoạt và chất lượng nguồn nước đóng chai, nước lọc phục vụ cán bộ, học viên trong Nhà trường được gửi mẫu xét nghiệm và đạt tiêu chuẩn an toàn.
Với đặc thù công việc của đơn vị là phục vụ cán bộ, học viên trong các bữa ăn hằng ngày, thường xuyên phải tiếp xúc với gas, lửa, điện, nước sôi, bê khiêng các dụng cụ, phương tiện nặng, cồng kềnh, làm việc với nhiều vận dụng sắc nhọn…v.v…nên đòi hỏi cao trong công việc là phải đảm bảo an toàn trong lao động.
Nhân viên phục vụ đều được tập huấn kiến thức về vệ sinh ATTP, kiểm tra sức khỏe định kỳ. Được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ nên trong khi làm việc nhân viên luôn ăn mặc đúng đồ bảo hộ được cấp phát (đi ủng, găng tay, đeo tạp dề, khẩu trang và đội mũ theo đúng quy định). Hằng năm tham gia các buổi tập huấn về công tác PCCC do Nhà trường tổ chức. Chị em nhân viên Phòng quản lý nhà ăn đã nâng cao về mặt nhận thức và trong hành động thực tiễn, có tinh thần tự giác, có trách nhiệm cao trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động. Qua kiểm tra và tham quan của các cấp lãnh đạo trong, ngoài ngành và các đơn vị bạn đều được biểu dương và đánh giá cao, nhất là trong công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì vậy trong những năm qua, trong các bếp ăn tập thể và các dịch vụ đời sống của Nhà trường chưa để xảy ra trường hợp đáng tiếc nào về mất vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động.
Lãnh đạo đơn vị, cán bộ nhân viên Phòng QLNA Nhận thức rõ vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trọng góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe cho cán bộ, học viên. Qua đó, đã đảm bảo sức khoẻ cho việc học tập và giảng dạy của học sinh và giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các nhà trường”.
Một số tồn tại và nguyên nhân:
Thứ nhất: Một số hệ thống thoát nước xung quanh các nhà ăn chưa đảm bảo, khi trời mưa có lúc nước thoát không kịp, dâng trào lên sân, mặt đường, nền nhà, có lúc cống bị khô nước bốc mùi hôi nồng nặc, do vậy ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của đơn vị.
Thứ hai: Chưa thường xuyên làm cỏ, phát quang xung quanh nhà ăn tránh ruồi muỗi sinh sản.
Một số đề xuất:
Thứ nhất: Định kỳ tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho bộ phận cấp dưỡng.
Thứ hai: Hằng năm tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn lao động cho nhân viên cấp dưỡng của đơn vị.
Thứ ba: Tiếp tục tổ chức tập huấn công tác Phòng cháy chữa cháy cho cán bộ, nhân viên trong Nhà trường.
Thứ tư: Thường xuyên cho nạo vét cống rãnh thoát nước trong khuôn viên nhà trường nói chung và xung quanh khu vực nhà ăn, nhà bếp nói riêng để không gây khó khăn cho công tác phục vụ của đơn vị.
Thứ năm: Chủ động kiểm tra vệ sinh môi trường, xử lý các ổ dịch ruồi muỗi trong Nhà trường cũng cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên.
Thực hiện tốt những vấn đề cốt lõi trên sẽ là điều kiện và tiền đề quan trọng để công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động trong Nhà trường nói chung và trong đơn vị nói riêng được hiệu quả nhất. Nâng cao chất lượng phục vụ tại các bếp ăn tập thể, các dịch vụ đời sống của Nhà trường và giúp cán bộ, chiến sĩ, học viên, nhân viên trong Nhà trường an tâm công tác, học tập và lao động.
Một số hình ảnh:
Thực phẩm được sục ôzôn trước khi đưa vào sơ chế
Khu vực sơ chế thực phẩm cao ráo, sạch sẽ
Thức ăn sau khi nấu chín được chia lên khay
Thức ăn sau khi chia lên khay được bảo quản trong Tủ đựng thức ăn di động,
đảm bảo sạch sẽ, tránh gió bụi, côn trung bay vào.
Dụng cụ dùng để chế biến thức ăn được bảo quản trong tủ chuyên dụng,
đảm bảo an toàn vệ thực phẩm và an toàn lao động
Các bếp ăn tập thể thường xuyên được vệ sinh lau dọn sạch sẽ gọn gàng
Thượng tá Nguyễn Thị Bốn – Trưởng Phòng QLNA.